Tỉnh Quảng Nam: Chương trình 30a đồng hành cùng người nghèo

Sau 5 năm triển khai thực hiện (2009-2013), các chương trình, chính sách thuộc Nghị quyết 30a đã thực sự đi vào đời sống người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với những đồng bào dân tộc thiểu số; trở thành động lực giúp họ thoát nghèo bền vững; góp phần làm thay đổi diện mạo từ vùng nông thôn đến biên giới, hải đảo xa xôi, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 30a, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành. Thông qua Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện, xã và phân công đứng điểm theo địa bàn từng huyện/thành phố. Đồng thời ban hành các Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30a...Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã banh hành cơ chế hỗ trợ giảm nghèo đặc thù của tỉnh. Trong đó có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ người nghèo như: cấp miễn phí thể BHYT cho người cận nghèo; cấp bù 50% học phí cho học sinh-sinh viên nghèo ngoài đối tượng do Trung ương hỗ trợ; hỗ trợ 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo; cán bộ giảm nghèo cấp xa được hưởng phụ cấp hàng tháng là 30% mức tiền lương cơ sở. Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng ban hành Chương trình tổng thể phát triển kinh tế-xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013-2016 và định hướng đến năm 2020, trong đó có quy định hằng năm, cân đối từ nguồn tăng thu, vượt thu ngân sách nhà nước và các nguồn thu khác để hỗ trợ huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% những chưa được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 30a. Theo đó, các huyện Đông Giang, Nam Giag, Nông Sơn đã được bố trí vốn mỗi năm 15 tỷ đồng... Nhờ sự lãnh, chỉ đạo kịp thời sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, mà trong 5 năm qua, công tác giảm nghèo đã có những bước tiến rõ rệt.

Được biết, từ năm 2009-2013, Quảng Nam được Trung ương đầu tư giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo là hơn 1.550 tỷ đồng, riêng 3 huyện 30a gồm Phước Sơn, Nam Trà My, Tây Giang được đầu tư nguồn vốn hơn 598,5 tỷ đồng. Đối với các huyện 30a, UBND đã triển khai chính sách giao khoán rừng đối với 1.483 hộ dân, diện tích hơn 37 với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng. Song song với đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo các huyện xây dựng Đề án quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và bố trí dân cư đến năm 2020.

Ngoài ra, từ nguồn kinh phí trên, tỉnh đã hỗ trợ 752 tấn lương thực cho hơn 10 nghìn hộ nghèo ở thôn, bản vùng giáp biên giới trong thời gian chưa tự túc được lương thực; phân bổ hơn 1,2 tỷ đồng hỗ trợ khai hoang phục hóa 57 ha/893 hộ; hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao cho hơn 46,7 nghìn hộ dân với tổng kinh phí hơn 11,8 tỷ đồng. Qua đó, nhiều mô hình kinh doanh sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao như: trồng Sâm Ngọc Linh, sâm Ba Kích, Đẳng sân, tre Điền Trúc, cây cao su, gừng...hay như mô hình nuôi bò, heo gống, mô hình nuôi ếch thương phẩm...Cùng với đó, các chính sách về hỗ trợ giống cây, vật nuôi cũng đã được triển khai hiệu quả. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ lần đầu giống cây trồng rừng cho 604 hộ với kinh phí 766 triệu đồng; hỗ trợ giống cỏ cho hơn 30 hộ dân để phục vụ chăn nuôi. Đồng thời phân bổ 1.458 tỷ đồng cho 1.458 hộ thực hiện phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung làm chuồng trại...

Đặc biệt, trong thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã tạo điều kiện để các huyện nghèo đưa gần 700 lao động đi làm việc tại Malaysia và Hàn Quốc. Qua đó, từng bước giúp hộ nghèo có thu nhập ổn định, tạo nguồn vốn để vươn lên thoát nghèo.

Đối với các chính sách, cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng ở cả thôn, bản, xã và huyện. Từ nguồn vốn được phân bổ, 5 năm qua các huyện nghèo đã được đầu tư xây dựng 523 công trình với tổng kinh phí gần 510 tỷ đồng.

Về chính sách đào tạo nguồn nhân lưc cho công tác giảm nghèo, trong thời gian qua, tỉnh đã phân bổ 629 triệu đồng để thực hiện 27 cán bộ huyện về đảm nhận những công việc chủ chốt tại các xã nghèo. Đồng thời, tiếp nhận và phân công 30 trí thức trẻ theo Đề án 600 về công tác và đảm nhận chức danh Phó Chủ tịch UBND xã của 30 xã thuộc 3 huyện nghèo. Nhìn chung, bước đầu đã phát huy hiệu quả, nhất là khâu điều tra, khảo sát, báo cáo và lập kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện tại thôn, xã. Bên cạnh đó, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 trung tâm dạy nghề với kinh phí hơn 98 tỷ đồng. Hiện nay, các trung tâm này đã đi vào hoạt động, thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm cho người dân địa phương, giúp người lao động có công việc ổn định, nâng cao thu nhập...

Nhìn chung, so với mục tiêu cụ thể đề ra của Nghị quyết 30a, đến năm 2013 nhiều mục tiêu đã đạt được như giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo từ 4% trở lên; về cơ bản không còn hộ dân ở nhà tạm; trợ cấp lương thực cho người dân ở thôn, bản vùng giáp biên giới để đảm bảo đời sống; tạo được sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, knih tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng...Góp phần làm thay da đổi thịt bộ mặt nông thôn, miền núi; đời sống của người dân được nâng lên đáng kể. Có thể nói, với những chương trình chính sách từ Nghị quyết 30a đã tạo đà cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Có thể thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a, với sự đồng thuận cao từ các cấp, sự hưởng ứng của người dân, sự lãnh, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đã đưa các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đến từng hộ nghèo trên địa bàn tỉnh; giúp họ tạo ra sinh kế và động lực vươn lên thoát nghèo. Qua đó, cũng đã phát huy được Quy chế dân chủ cơ sở, huy động sự tham gia, hưởng hưởng ứng của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, nâng cao nhận thức của quần chúng trong công tác giảm nghèo, tạo niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước...”- ông Nguyễn Quang Hòa- Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh cho biết.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành