Trang trại trâu, bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao

Tuyên Quang, với đặc thù của tỉnh miền núi phía bắc, có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi gia súc. Từ tập quán chăn thả trâu, bò tự do, đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa, Na Hang đã và đang chuyển sang hình thức nuôi nhốt chuồng để vỗ béo, giúp ngăn ngừa dịch bệnh, tiết kiệm sức lao động; đem lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Nhiều hộ dân xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa tham gia mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo.

 

Bình An là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Lâm Bình, với 762 hộ chủ yếu là dân tộc Tày, Dao, Mông. Mặc dù mô hình chăn nuôi trâu, bò nuôi nhốt vỗ béo ở Bình An mới chỉ phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây nhưng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Các hộ dân ở xã đã chuyển đổi diện tích đất đồi trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng giống cỏ VA06 để làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Nhờ đó, người dân hoàn toàn chủ động được nguồn thức ăn thô xanh, giàu dinh dưỡng. Chỉ trong thời gian từ hai đến ba tháng, có thể thu lãi hơn hai triệu đồng/con/lứa nuôi từ việc chăn nuôi vỗ béo trâu, bò, cao hơn nhiều so với việc trồng lúa, trồng ngô. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chiếm 77%, đến nay đã giảm xuống còn 67%.

Thôn Nà Coóc, xã Bình An là một trong những thôn có phong trào chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo phát triển mạnh ở huyện Lâm Bình. Thôn có 160 hộ gia đình thì có tới 125 hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Hộ ít thì nuôi một đến hai con, hộ nhiều thì nuôi cả 10 con. Anh Giàng A Cồ, thôn Nà Coóc cho biết: “Đất sản xuất nông nghiệp ít, việc phát triển kinh tế gia đình rất khó khăn cho nên tôi mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi trâu, bò vỗ béo. Mỗi ngày cho trâu, bò ăn, uống nước ba lần và đúng giờ. Không tốn nhiều công chăm sóc mà thu nhập mỗi năm được khoảng 30 triệu đồng. Sau ba năm, gia đình tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo. Để phòng ngừa dịch bệnh, trong quá trình chăn nuôi cần chú ý đến thực hiện vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ. Một năm có thể nuôi cao nhất bốn lứa, nguồn vốn được quay vòng liên tục cho nên hiệu quả mang lại cao”. Ở thôn Tiên Tốc, xã Bình An có 54 hộ, trong đó có 33 hộ đã thực hiện chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo. Nhờ vậy, nhiều hộ trong thôn vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.

Trong khi ở xã Bình An, người dân chủ yếu chăn nuôi cá thể thì ở xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa lại thực hiện mô hình liên kết trong chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Công (xã Hùng Mỹ) Lương Hải Tuyên cho biết, năm 2017, HTX bắt đầu thực hiện mô hình liên kết nuôi trâu, bò vỗ béo, với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành. Hiện nay, 18 thành viên trong HTX đều tham gia mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo, với tổng số 42 con. HTX Tiến Thành cung cấp trâu, bò, cân trọng lượng và đánh số tai từng con để theo dõi, bàn giao cho các hộ trong HTX ở Hùng Mỹ; đồng thời, hướng dẫn người dân cách ủ thức ăn cho trâu, bò, theo dõi, giám sát sức khỏe đàn gia súc trong suốt giai đoạn nuôi. Sau từ ba đến bốn tháng, HTX sẽ thu mua số trâu, bò đã bàn giao. Từ thời điểm nhận nuôi đến thời điểm bán, chênh lệch về trọng lượng của trâu, bò sẽ tương ứng với lợi nhuận người nuôi được hưởng. Trung bình sau mỗi đợt nuôi, người chăn nuôi sẽ lãi khoảng năm triệu đồng/con trâu, ba triệu đồng/con bò. Nhờ tham gia mô hình này, nhiều hội viên trong HTX đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn, của để và tích lũy để phát triển sản xuất.

Để nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện của tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân từ cách thiết kế chuồng trại, chế độ dinh dưỡng, công tác vệ sinh, phòng bệnh... giúp người dân yên tâm đầu tư chăn nuôi, phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa.

 

nhandan.org.vn

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành