Triển khai Chương trình 135: Lấy thôn bản và người dân làm trung tâm

Tại Hội thảo quốc gia “Thực trạng chính sách dân tộc, định hướng xây dựng chính sách giai đoạn 2021 -2030, ông Ksor Phước - Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đặt vấn đề cần xác định Chương trình 135 là cuộc cách mạng xã hội ở vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Các cấp ủy đảng, chính quyền phải có quyết tâm xóa nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như xóa nạn mù chữ năm 1945. Thời điểm đó, khi nước nhà vừa giành được độc lập, 90% dân số mù chữ. Chính sách dân tộc nói chung, Chương trình 135 nói riêng trong những năm tới cần đột phá theo hướng lấy thôn bản và người dân làm trung tâm.

Vùng đặc biệt khó khăn cần tiếp tục được quan tâm đầu tư để phát triển bền vững

TS. Bế Trường Thành - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, 20 năm trước, sự đổi mới tư duy của Đảng đã khai sinh ra Chương trình 135. Việc lựa chọn các xã ĐBKK, vùng nghèo nhất nước là nơi đột phá để tập trung đầu tư hỗ trợ theo chương trình mục tiêu là bằng chứng sinh động nhất cho sự đổi mới cả về nhận thức và tư duy trong xây dựng chính sách dân tộc. Thực hiện chính sách bằng chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình hợp lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, cào bằng, bình quân mà có lúc, có nơi tưởng như vậy là công bằng, bình đẳng; khắc phục những hạn chế của việc “phối hợp, lồng ghép” các chương trình, dự án khác nhau trên cùng một địa bàn” khá phổ biến từ trước đến nay; thực hiện yêu cầu tích hợp các chính sách có cùng mục tiêu vào một chính sách chung để tránh chồng chéo trong quản lý, hướng dẫn triển khai thực hiện. Những kết quả rất đáng kể mà Chương trình 135 đạt được sau chặng đường 20 năm đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, phát triển hạ tầng, xây dựng đội ngũ cán bộ ở vùng ĐBKK, hạn chế gia tăng khoảng cách giàu - nghèo ở vùng DTTS, miền núi với các vùng khác trong cả nước. 

Ông Ksor Phước - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trăn trở, bối cảnh đất nước nói chung, vùng DTTS, vùng ĐBKK đang thay đổi rất nhanh khi bước vào cuộc cách mạng 4.0. Độ mở nền kinh tế đất nước với khu vực và thế giới ngày càng lớn thì nguy cơ khoảng cách các chỉ số phát triển cơ bản của đa số các DTTS so với mức trung bình của nông dân và nông thôn cả nước ngày càng gia tăng. Hiện nay, tỷ lệ nghèo trong đồng bào DTTS đã giảm nhưng vẫn còn cao. Thu nhập của hộ đã tăng lên khoảng 20% sau 5 năm nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức trung bình của cả nước (50%). Chênh lệch thu nhập giữa các hộ gia đình ở các xã thuộc Chương trình 135 có xu hướng tăng và thấp hơn mức sống trung bình của quốc gia. Những hộ nghèo hơn có mức tăng thu nhập thấp hơn so với hộ khá và khoảng cách giữa các hộ nghèo và không nghèo ở các xã 135 ngày càng nới rộng.

Trong định hướng xây dựng chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Ủy ban Dân tộc đặt mục tiêu phấn đấu rất quyết liệt. Đến năm 2025: giảm ít nhất 40% số xã ĐBKK, 60% các thôn, bản ĐBKK, giảm ít nhất 25 huyện nghèo (theo Nghị quyết 30a). Đến năm 2030, tức là sau 32 năm thực hiện Chương trình 135, không còn xã ĐBKK, giảm ít nhất 75% số thôn, bản ĐBKK và không còn huyện nghèo nhất nước theo tiêu chí hiện nay.

Nếu không có quyết tâm đạt được những mục tiêu này, ông Ksor Phước cảnh báo, các thôn bản ĐBKK sẽ là “cái rốn” cuối cùng của nghèo nàn, lạc hậu trong vùng DTTS. Các chỉ số phát triển cơ bản của người dân vùng ĐBKK so với các vùng nông thôn khác của quốc gia ngày càng gia tăng thêm; sẽ có một số dân tộc và vùng dân tộc, miền núi đứng trước tình huống “tự nhiên” “bị bỏ lại ngày càng xa phía sau” và nước ta lại phải tiếp tục cuộc “kháng chiến trường kỳ” xóa đói giảm nghèo chưa biết đến bao giờ mới kết thúc ở một số vùng DTTS. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - đại diện tổ chức CARE, một đối tác phát triển của Ủy ban Dân tộc nhận xét, thách thức lớn hiện nay là tỷ lệ nghèo ở vùng DTTS còn cao (gấp 4 lần so với bình quân chung của cả nước). Một bộ phận người dân vẫn thiếu đói giáp hạt. Nghèo ngày càng tập trung trong các nhóm DTTS. Nếu như năm 2010, gần 50% người nghèo cả nước là người DTTS thì đến năm 2016, tỷ lệ này là 70% theo chuẩn nghèo chi tiêu của Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới trong khi người DTTS chiếm chưa tới 15% dân số cả nước. Theo xu hướng này, trong thời gian tới, tỷ lệ người DTTS trong tổng số người nghèo trên cả nước sẽ còn cao hơn nữa. 

Nếu coi vùng DTTS là vùng “lõi nghèo” của cả nước thì vùng ĐBKK là “nhân”, là “lõi” của “vùng lõi”. Thực tế, với mỗi thôn bản, với các nhóm dân tộc khác nhau ở các vùng khác nhau và ngay cả trong một vùng, thậm chí một huyện, một xã, một thôn bản thì sự đa dạng của tình trạng đói nghèo cũng khác nhau. Mặt khác, vùng DTTS nói chung, vùng ĐBKK nói riêng đang phải đối diện với những rủi ro ngày càng phức tạp về thiên tai, biến đổi khí hậu, thị trường, việc làm, tín dụng, rủi ro do các hoạt động xây dựng và vận hành nhà máy thủy điện, khai thác khoáng sản … ảnh hưởng bất lợi đến những nỗ lực giảm nghèo ở từng cộng đồng thôn bản DTTS. Ở những thôn bản khó khăn nhất thì các hộ nghèo cũng chính là cộng đồng khó thoát nghèo nhất, là nhóm nghèo dai dẳng. 

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, nếu không đổi mới mạnh mẽ, những điểm mạnh sau 20 năm thực hiện Chương trình 135 có thể biến thành điểm yếu. Chương trình 135 các giai đoạn trước đã hoàn thành sứ mệnh là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh, huyện, xã ĐBKK. Tuy nhiên, cũng chính từ cách tiếp cận quá nhấn mạnh vào phát triển cơ sở hạ tầng khiến ở một góc độ nào đó làm cho những can thiệp này không khác nhiều so với những khoản đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Các giai đoạn trước, 70% tổng kinh phí thực hiện Chương trình 135 được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn bản ĐBKK nên cấp triển khai thực hiện phải là cấp hành chính, tức là thấp nhất cũng phải là cấp xã, dẫn đến vai trò của cộng đồng ở cấp thôn, bản không được thể hiện (do thôn, bản không phải là cấp hành chính). Vì vậy, nhiều trường hợp lựa chọn, quản lý và sử dụng công trình hạ tầng không gắn với nhu cầu của đồng bào DTTS, dẫn đến tình trạng làm xong bỏ hoang hoặc không sử dụng hết công suất.

Thường xuyên đổi mới nguyên tắc thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn là một trong những bài học lớn nhất trong thực hiện Chương trình 135. Với những thử thách mới đặt ra từ thực tiễn và yêu cầu cần khắc phục hạn chế của các giai đoạn trước, đã đến lúc nội dung chính sách áp dụng cho các vùng trên cả nước không còn hiệu quả và phù hợp. Trong các giai đoạn tiếp theo, Chương trình 135 nói riêng, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nói chung cần tập trung cho nhóm nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất. Các chính sách, chương trình giảm nghèo ở vùng DTTS, vùng ĐBKK chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi công nhận và thúc đẩy các quyền bình đẳng đã hiến định cho người DTTS, đảm bảo cộng đồng và người dân đóng vai trò chủ thể tích cực, là đối tượng thực hiện chính sách, chứ không phải là đối tượng hưởng lợi, bị động từ các hỗ trợ bên ngoài. 

Tinh thần đột phá của 20 năm trước, tập trung vào nơi nghèo nhất, khó khăn nhất cần được tiếp tục thực hiện. Song mũi đột phá phải thay đổi, đó là lấy thôn bản và người dân làm điểm nhấn trong các chương trình giảm nghèo và phát triển bền vững ở vùng DTTS. Chính sách nên theo hướng mở để địa phương, cộng đồng tự quyết định đầu tư cái gì phù hợp nhất với từng dân tộc, từng thôn bản. Ưu tiên hỗ trợ tập trung cho các thôn bản khó khăn nhất, dễ tổn thương nhất theo hướng giảm phạm vi địa bàn để tăng nguồn lực hỗ trợ cho mỗi thôn bản, nhất là nguồn lực phát triển sinh kế, ứng phó với rủi ro, nguồn lực hỗ trợ nâng cao năng lực cộng đồng theo cách “vừa học vừa làm”, gắn với từng công trình, dự án, tổ nhóm cụ thể. Đồng bào DTTS ở các thôn bản có lợi thế lớn về sự gắn kết cộng đồng, tự quản thông qua các thiết chế cộng đồng để quản lý và sử dụng các nguồn lực tự nhiên theo tập quán truyền thống, tri thức địa phương, duy trì các thực hành văn hóa tâm linh lành mạnh, hợp tác cùng nhau, dựa vào nhau để làm ăn và chống đỡ rủi ro, thực hiện an sinh xã hội dựa vào cộng đồng trên cơ sở đảm bảo sự quản lý chung của Nhà nước.

Một câu hỏi được không ít những người làm chính sách dân tộc trăn trở đặt ra đó là tại sao trên cùng một địa bàn, đồng bào Kinh từ nơi khác đến định cư sau 5 – 10 năm là có sự phát triển bứt phá, vượt xa đồng bào DTTS tại chỗ. Câu trả lời chính là nhân tố nội lực của các DTTS địa phương còn nhiều hạn chế nên sự hấp thụ, chuyển hóa các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài đạt thấp. Bên cạnh đó là sự mặc nhiên “dán nhãn” cho đồng bào DTTS nghèo là “trông chờ, ỷ lại” vào Nhà nước, “thiếu ý chí” vươn lên. Trên thực tế thực tế, đó là hậu quả của chính sách “cho không” trực tiếp tới người nghèo, với mục đích đảm bảo quyền lợi cho các DTTS, trong khi lẽ ra chính sách cần phải tạo cơ hội, đảm bảo quyền quyền bình đẳng để các cộng đồng DTTS tự làm chủ quá trình vươn lên của mình. Chính sách chưa được thiết kế theo hướng gắn với các điều kiện về nỗ lực tự thân và kết quả cải thiện đời sống đang tạo ra tâm lý muốn nghèo và so bì, tỵ nạnh trong một bộ phận người dân. Đây là hiệu ứng không mong đợi và cần phải được khắc phục bằng sửa đổi chính sách. 

Nhà nước cần thực hiện cơ chế hỗ trợ tài chính trọn gói, giao cho thôn bản tự quản dưới dạng “Quỹ phát triển cộng đồng” dựa trên 3 trụ cột: 

Thứ nhất: truyền thông nâng cao năng lực đi trước một bước. Người dân cần được tuyên truyền, vận động để hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, hiểu rõ tiềm năng, thế mạnh của cộng đồng.

Thứ hai: Phát huy tiềm năng, thế mạnh, nội lực cộng đồng. Cần trao quyền cho cộng đồng thực hiện các tiểu dự án. Vốn hỗ trợ của Nhà nước đóng vai trò “vốn mồi”, chất xúc tác nhằm phát huy nội lực cộng đồng.

Thứ ba: xây dựng, củng cố các tổ chức nông dân, các thiết chế cộng đồng nhằm tăng cường hành động tập thể, phát huy tinh thần hợp tác, chia sẻ, phát huy cơ chế tiên phong - lan tỏa trong cộng đồng. 

Ưu tiên cho nhóm yếu thế nhất, dễ bị tổn thương nhất là rất cần thiết nhưng cũng không nên quên sự kết nối với các nhóm không nghèo và có lợi thế ngay trong cùng cộng đồng thôn bản, vì như thế sẽ làm giảm sự gắn kết cộng đồng và làm mất đi vai trò tích cực của cơ chế tiên phong, lan tỏa trong các thôn bản DTTS. Đổi mới chính sách chính là thúc đẩy sự liên kết ngay trong cộng đồng, phát huy sức mạnh nội tại của cộng đồng, tạo điều kiện phát huy sự chủ động tích cực của cộng đồng, nhất là trong việc tạo dựng những mô hình sinh kế riêng, phù hợp. Có sinh kế thì hộ gia đình mới thoát nghèo. Gia đình thoát nghèo thì thôn bản thoát nghèo… Hành trình đó sẽ đi từ vi mô là mỗi gia đình hạt nhân đến tầm vĩ mô là cả quốc gia. 

Việt Nam đã cam kết thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, với thông điệp cốt lõi: “không để ai bị bỏ lại phía sau”. 20 năm trước, Chương trình 135 ra đời là kết quả của sự đổi mới tư duy của Đảng, Nhà nước ta, chuyển từ cách thức đầu tư “dễ làm trước, khó làm sau” sang đầu tư, hỗ trợ thẳng tới địa bàn nghèo nhất, khó khăn nhất. Sứ mệnh ngày nay và các giai đoạn tiếp theo của Chương trình 135 cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là phải giúp các thôn bản, các hộ dân khó khăn nhất thoát nghèo bền vững. Giải pháp thực hiện sứ mệnh đó hiệu quả nhất là phải phát hiện, nâng đỡ cho những mô hình tạo sinh kế bền vững cho người dân tăng thu nhập, đồng thời phục vụ mục tiêu tái cơ cấu sản xuất của các địa bàn, của các hộ ĐBKK. Hành trình đó còn dài nhưng có nhiều triển vọng, là quả ngọt của sự không ngừng hoàn thiện cách thức đầu tư, nguyên tắc quản lý Chương trình 135 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để phù hợp với thực tiễn; sự quan tâm vào cuộc của các tỉnh, thành phố vùng DTTS, miền núi và hơn hết là sự chủ động, tự giác tìm kiếm, đề xuất các mô hình phát triển sản xuất của mỗi người dân ở cộng đồng thôn bản. 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành