Triển khai Đề án 196 ở Quảng Ninh

Quảng Ninh có 22 xã, 154 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ. Thông qua việc thực hiện Đề án 196 về nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 của tỉnh, các địa bàn trên đã được quan tâm đầu tư lớn, làm đổi thay đáng kể trong phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Đổi thay ở những địa bàn đặc biệt khó khăn

Từ nguồn vốn Chương trình 135, huyện Hoành Bồ đang triển khai xây dựng ngầm tràn nối 2 xã Đồng Lâm và Kỳ Thượng, dự kiến sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2019.

 

Trong giai đoạn 2017-2020, các địa bàn ĐBKK trong tỉnh được đầu tư trên 1.342 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh đầu tư trên 968,4 tỷ đồng (chiếm 72,14%). Cụ thể, về hỗ trợ phát triển sản xuất, tỉnh ưu tiên bố trí vốn đáp ứng 100% nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất theo đề nghị của các địa phương. Các công trình xây dựng hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tốt, kịp thời phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân vùng ĐBKK.

Trong phát triển sản xuất và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất, tỉnh đã đầu tư hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giống thuỷ sản, vật tư sản xuất, hỗ trợ mua máy, thiết bị cơ khí hoặc bán cơ khí phục vụ sản xuất và phục vụ chế biến, bảo quản nông sản; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, truyền nghề cho người sản xuất; xây dựng các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho các hộ và nhóm hộ...

Qua triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo điều kiện tích cực cho đồng bào các dân tộc được tiếp cận với giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng thu nhập cho người dân; quy mô sản xuất được mở rộng...

Song song với phát triển sản xuất, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường phổ cập kiến thức, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất nông, lâm nghiệp... cho đội ngũ cán bộ xã, thôn, bản để họ tuyên truyền, tổ chức thực hiện và vận động nhân dân tham gia.

Qua đó, trình độ của đội ngũ cán bộ cấp xã được nâng lên, nắm được những kiến thức cơ bản của Chương trình 135, hoạt động có hiệu quả, vốn đầu tư được sử dụng đúng mục đích, ít thất thoát. Tham gia các lớp tập huấn, người dân hiểu biết về nội dung cơ bản của Chương trình 135, các chính sách đang áp dụng trên địa bàn, từ đó tích cực tham gia và giám sát quá trình tổ chức thực hiện.

Thông qua việc tổ chức thực hiện Chương trình 135 và các chính sách dân tộc đã giúp đồng bào nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi thoát nghèo nhanh, bền vững; trình độ dân trí và năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị các cấp, nhất là chính quyền cấp xã được nâng lên, tập quán và kỹ thuật sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số có sự chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hoá; cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn, bản được đầu tư, nâng cấp, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương thuỷ lợi, trường học... được mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển.

Năm 2016, xã Kỳ Thượng, huyện Hoành Bồ có 69 hộ nghèo, 41 hộ cận nghèo, nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là vốn hỗ trợ từ Chương trình 135, xã đã thực hiện các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả hơn, đời sống của người dân được nâng lên. Đến hết năm 2018, xã còn 20 hộ nghèo, 29 hộ cận nghèo. 

Theo kết quả rà soát sơ bộ, đến hết năm 2018 xã không còn thôn ĐBKK, đây cũng là tiền đề để xã Kỳ Thượng ra khỏi diện ĐBKK trong năm 2019 theo nghị quyết của tỉnh, huyện và của xã.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của cơ quan chức năng, quá trình thực hiện Chương trình 135 còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như: Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách còn hạn chế; một bộ phận hộ nghèo, người dân tộc thiểu số chưa có ý chí vươn lên, dẫn đến có tâm lý "cho thì nhận"; công tác lồng ghép các chính sách cùng nội dung hỗ trợ trên địa bàn đạt hiệu quả chưa cao, chưa chặt chẽ... do vậy, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các chương trình, dự án.

Năm 2019, tỉnh phấn đấu có thêm 12 xã, 14 thôn hoàn thành Chương trình 135; không còn xã ĐBKK và cơ bản không còn thôn, bản ĐBKK; giảm 0,4% tỷ lệ hộ nghèo, tương đương gần 1.400 hộ.

Có thể thấy, để giảm khoảng cách giữa vùng ĐBKK với khu vực đồng bằng, đô thị, đặc biệt để đưa các xã ra khỏi diện ĐBKK, không chỉ trông chờ vào nguồn lực từ Chương trình 135, Chương trình xây dựng NTM, mà cần huy động nhiều nguồn lực và triển khai đồng bộ các giải pháp. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của người dân, cũng như cán bộ, đảng viên về việc phấn đấu thoát khỏi diện ĐBKK; xây dựng các chương trình, dự án phải cụ thể ở từng xã và hướng vào các tiêu chí còn thiếu để tiếp tục thực hiện.

 

 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành