Tu Mơ Rông: Quan tâm nâng cao đời sống đồng bào DTTS
Tập trung huy động mọi nguồn lực hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tích cực chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS…, đó là những việc làm mà Đảng bộ và chính quyền huyện Tu Mơ Rông luôn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn trong thời gian qua.
|
Người dân các xã của huyện Tu Mơ Rông tích cực chuyển đổi trồng cà phê để thoát nghèo. |
Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng
Huyện Tu Mơ Rông hiện có 5.964 hộ dân với 28.200 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm 96% dân số toàn huyện.
Là huyện 30a nên điều kiện kinh tế - xã hội của Tu Mơ Rông còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn nhiều thiếu thốn...
Để cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống của đồng bào DTTS, Đảng bộ huyện Tu Mơ Rông tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cơ sở chủ động lồng ghép, ưu tiên các nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh và nguồn ngân sách huyện cho xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS nhằm cải thiện bộ mặt vùng nông thôn.
Nhờ nguồn vốn Chương trình 135 (giai đoạn III), từ năm 2016 đến nay, huyện Tu Mơ Rông bố trí hơn 51,6 tỷ đồng đầu tư xây dựng 126 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, thủy lợi, trường học, nước sinh hoạt.... Đến nay, đã có 84 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, 42 công trình còn lại phấn đấu hoàn thành trong năm 2019 và 2020.
Triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, từ năm 2016 đến nay, huyện Tu Mơ Rông ưu tiên bố trí 123,485 tỷ đồng đầu tư xây dựng 64 công trình cơ sở hạ tầng. Đến nay, đã có 34 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, các công trình còn lại đang tiếp tục được triển khai xây dựng hoàn thành trong năm 2019 và 2020.
Theo thống kê, đến nay, toàn huyện có 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa và có hơn 90% số thôn, làng có đường giao thông đi lại được cả hai mùa; 100% xã có điện lưới quốc gia với tỷ lệ hộ dùng điện đạt 98% dân số toàn huyện; 11/11 xã có trạm y tế xây dựng kiên cố; 85% số hộ dân vùng nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Các công trình cơ sở hạ tầng hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân vùng nông thôn.
Tạo sinh kế cho người dân phát triển kinh tế gia đình
Cùng với việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, Tu Mơ Rông đặc biệt chú trọng hỗ trợ, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.
Từ năm 2014 đến nay, thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình hỗ trợ giảm nghèo khác, huyện Tu Mơ Rông bố trí gần 8 tỷ đồng từ các nguồn vốn đầu tư cho các xã, đơn vị chức năng thực hiện hỗ trợ cho nhân dân phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn hỗ trợ trên, chính quyền cơ sở tập trung đầu tư hỗ trợ về vật tư phân bón, giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ đồng bào DTTS đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ.
Giúp bà con đồng bào DTTS tiếp cận khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, hàng năm, các phòng chuyên môn của huyện phối hợp chính quyền các xã xây dựng hàng chục mô hình trình diễn; mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi; tổ chức các lớp đào tạo nghề cho hơn 800 người lao động nông thôn trên địa bàn huyện... Qua đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo DTTS từng bước tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.
Cùng với đó, thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở cho hộ đồng bào DTTS nghèo, khó khăn, từ năm 2014 đến nay, huyện Tu Mơ Rông tiến hành hỗ trợ đất sản xuất cho 338 hộ với diện tích 73,24ha, tổng kinh phí thực hiện hơn 3,190 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở cho 195 hộ với kinh phí 195 triệu đồng và hỗ trợ nước sinh hoạt cho 1.124 hộ với tổng kinh phí 1,461 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh bán trú theo các nghị định, quyết định của Chính phủ, từ năm 2014 đến nay, huyện Tu Mơ Rông tiến hành hỗ trợ gạo cho hơn 11.560 học sinh với tổng kinh phí hơn 59 tỷ đồng; hỗ trợ ăn trưa cho 8.940 trẻ mẫu giáo 3,4,5 tuổi với tổng số tiền hơn 9,3 tỷ đồng và thực hiện nghiêm các quy định về chính sách của Nhà nước đối với việc miễn giảm học phí, chi phí học tập cho học sinh vùng đồng bào DTTS...
Ông A Rin Ka - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông khẳng định: Trong những năm qua, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước góp phần tích cực trong việc hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, thay đổi tập quán canh tác, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện bình quân giảm hơn 6,3%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 13 triệu đồng/năm (năm 2014) lên 20 triệu đồng/năm (năm 2018) và ước năm 2019 đạt 24 triệu đồng/người; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn được củng cố, giữ vững...
baokontum.com.vn