Tư vấn, thay đổi tư duy sản xuất để thoát nghèo
Để đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương tập trung nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc lập các tổ tư vấn vận động thoát nghèo.
Chúng tôi về bản Lưu Thông, nơi sinh sống của 54 hộ, chủ yếu là dân tộc Mông. Theo Trưởng bản Vừ Dông Nênh, trước đây, bà con quanh năm chỉ biết phát nương làm rẫy. Do trồng lúa, trồng ngô theo tập quán cũ nên năng suất thấp, đất đai lại không được đầu tư thâm canh dẫn đến bạc màu. Bản nằm xa trung tâm huyện và cách biệt với bên ngoài nên thường xuyên xảy ra việc thiếu ăn, thiếu mặc…
Để thay đổi tư suy sản xuất của bà con, Tổ tư vấn giảm nghèo bản Lưu Thông (gồm 9 thành viên) đã trực tiếp xây dựng mô hình điểm làm mẫu cho bà con. Tổ tư vấn thường xuyên cắt cử cán bộ luân phiên có mặt tại bản để vừa tuyên truyền vận động người dân, vừa bắt tay làm cùng. “Thấy tận mắt, nghe tận tai” từ trồng ngô lai, khoai sọ, bí xanh đến chăn nuôi lợn đen, gà đen... bà con ở bản bắt đầu làm theo.
Đến nay, toàn bản Lưu Thông đã trồng được hơn 40 ha bí ngô, thu nhập bình quân 25 - 30 triệu đồng/ha; 20 ha khoai sọ, thu nhập 20 triệu đồng/ha; 20 ha ngô, thu nhập 15 triệu đồng/ha. Đặc biệt hiệu quả là mô hình chăn nuôi lợn và gà đen, bình quân mỗi hộ nuôi 4-5 con lợn đen, có gia đình nuôi 14 con/lứa. Bản Lưu Thông trở thành điển hình trong việc thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo.
Cũng như bản Lưu Thông, 5 bản còn lại của xã Lưu Kiền cũng thành lập các tổ tư vấn vận động thoát nghèo. Nhờ đó, chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở xã Lưu Kiền được đồng bào đồng thuận hưởng ứng. Từ tập quán phát đốt, cốt, trỉa với công cụ thô sơ, người dân đã biết chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất. Nhiều bản làng đã biết khai thác lợi thế điều kiện tự nhiên để chăn nuôi, trồng trọt theo hướng thâm canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.