Vấn đề nghèo đói từ di cư tự do: Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Nghe thông tin câu được câu mất, không rõ thực hư, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc di cư tự do vào các tỉnh Tây Nguyên để tìm “miền đất hứa”. Để rồi hệ lụy là phải sống trong những buôn làng “nhiều không”.
Đi tìm miền đất… hứa!
Thôn Ea Rớt, xã Cư Pui (huyện Krông Bông, Đăk Lăk) là một trong những điểm nóng về di cư tự do (DCTD) với hơn 170 hộ, 1.000 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào dựng nhà rải rác tít trong rừng sâu. Muốn đến được thôn, chúng tôi phải mất nửa ngày để vượt qua 20 cây số đường rừng lầy lội.
Cảm nhận ban đầu, Ea Rớt như một “ốc đảo”, tứ bề là đồi núi hoang vu. Anh Giàng Seo Măng, Trưởng thôn cho hay, thời mới vào đây, người dân sống gần như “nguyên thủy”, không điện, không đường, không trạm…bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Về sau, chính quyền lập thôn, chia mỗi hộ 1 ha đất để canh tác. Do đất xấu, phương thức thâm canh lạc hậu chỉ trồng đậu, ngô, sắn nên đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn.
Cụ Vàng A Tráng, một người dân trong thôn cho biết, quê cụ ở Cao Bằng. Đất đai ngoài đó ít, làm không đủ ăn. Nghe bảo ở Tây Nguyên đất đai bạt ngàn, tha hồ trồng bắp, mì, không sợ đói nên cụ dắt díu gia đình vào đây sinh sống.
Ý nghĩ của cụ Tráng cũng là suy nghĩ của nhiều người Mông khi di cư vào Tây Nguyên lập nghiệp. Họ chỉ nghĩ đến cái ăn chứ không quan tâm nhiều đến các nhu cầu xã hội khác. Thấy đất đai rộng họ lại rủ người thân, người quen vào định cư khiến chính quyền địa phương “căng não” tìm hướng giải quyết, ổn định DCTD.
Ngược về xã Cư Kbang (huyện biên giới Ea Súp), cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) hàng trăm cây số, chúng tôi tiếp tục ghi nhận cuộc sống đầy khó khăn thiếu thốn của những hộ DCTD ở “làng Mông”. Ngôi làng lọt thỏm giữa cánh rừng trơ trọi với hàng trăm hộ dân người Mông, Tày di cư từ các tỉnh Sơn La, Cao Bằng, Tuyên Quang…vào sinh sống. Cuộc sống của họ cũng gói gọn trong cụm từ “5 không”.
Gia đình chị Hầu Thị Hơ (quê Lạng Sơn) gia nhập “làng Mông” gần 2 năm nay. Căn nhà sập xệ ghép tạm từ miếng gỗ rộng chừng 4 mét vuông là nơi trú ngụ của vợ chồng chị và 3 đứa con nhỏ.
Chị Hơ cho hay: Thông qua họ hàng chỉ dẫn, vợ chồng chị quyết định vào đây lập nghiệp. Ở quê chị đất chật người đông, lo cái ăn cũng chật vật. Vào “làng Mông”, chị được họ hàng để lại ít đất dựng nhà, còn đất canh tác thì chị chỉ tay về khu rừng bảo: “Đấy, đất ở đấy. Ai khỏe tay thì phát được nhiều đất chứ ai cho”.
Hỏi chuyện học chữ cho con trẻ, chị Hơ xua tay: “Mới vào đói lắm, lo kiếm cái ăn đã. Nay trời mưa quá mình mới ở nhà, còn nắng là dắt cả bọn nhỏ vào rừng đào măng đổi gạo rồi. Ngồi nhà miết lấy gì ăn”.
Hệ lụy bủa vây
Không riêng gia đình chị Hơ mà nhiều hộ ở “làng Mông” coi đây như miền đất hứa… cho họ cái ăn cái mặc, còn bao hệ lụy nhãn tiền thì chính quyền “gánh” lấy. Theo thống kê từ Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Đăk Lăk, từ năm 2005 đến tháng 9/2017 trên địa bàn tỉnh có gần 1.700 hộ với hơn 8.000 khẩu là dân DCTD từ các tỉnh phía Bắc vào.
Trong đó, các “điểm nóng” dân tập trung nhiều nhất gồm huyện Ea Súp, Krông Bông, M’Đrắk, Krông Năng… Trước sự vào cuộc rốt ráo của chính quyền các cấp, tình trạng dân DCTD ở các tỉnh Tây Nguyên có giảm về số lượng vẫn diễn biến rất phức tạp và để lại rất nhiều hệ lụy.
Đó là thiếu đất ở, đất sản xuất dẫn đến việc người dân chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp dừng nhà, lấy đất canh tác trái phép; trẻ em tuổi đến trường vẫn không được đi học; người dân không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế… Khó nhất là việc người dân không đăng ký hộ khẩu, đăng ký tạm trú “đến không khai, đi không báo” tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về tình hình quản lý, bảo vệ trật tự, trị an tại địa phương.
Để giải quyết những hệ lụy do tình trạng DCTD, thời gian qua, chính quyền các cấp của tỉnh Đăk Lăk đã triển khai nhiều giải pháp; nhất là thực hiện các dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư. Theo đó, tỉnh đã lập 32 dự án gồm: 6 dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai, 4 dự án bố trí sắp xếp dân cư các xã biên giới Việt Nam-Campuchia, 17 dự án bố trí ổn định dân DCTD, 5 dự án định canh định cư cho đồng bào DTTS và dự án bố trí dân cư theo hình thức xen. Trong 32 dự án đã lập có 24 dự án đang triển khai, 6 dự án đã phê duyệt nhưng chưa có vốn để triển khai, 2 dự án chưa duyệt vì chưa cân đối được nguồn. 24 dự án đang triển khai đến nay vẫn đang thực hiện dở dang, nguyên nhân chính là thiếu vốn.
Thiết nghĩ, việc bố trí nguồn lực để giúp địa phương hoàn thành các dự án sắp xếp, bố rí, ổn định dân DCTD trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk là rất cần thiết. Nhưng đây là việc phải làm để giải quyết tình trạng DCTD đã xảy ra. Còn để hạn chế, tiến tới giải quyết dứt điểm tình trạng DCTD mới thì cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để “phòng” tư tưởng đi tìm miền đất hứa phải được cấp ủy, chính quyền các địa phương xác định là khâu then chốt.