Vấn đề nước sạch vùng đồng bào DTTS: Nhiều áp lực cho chính sách hỗ trợ

Nguồn nước đang bị suy giảm do biến đổi khí hậu (BĐKH) và việc khai thác tràn lan. Thực trạng này không chỉ đe dọa an ninh nguồn nước đối với người dân miền núi mà tạo áp lực lên chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt (NSH).

Cánh đồng ở thôn 19, xã Đăk Drông, huyện Cư Jut (Đăk Nông) khô cháy vì nắng hạn trong tháng 3/2019.

Nguồn nước ngầm suy giảm 

Trong số báo 1566, ra ngày 1/11/2019, Báo Dân tộc và Phát triển đã phản ánh,do thời tiết cực đoan, các công trình NSH ở khu vực miền núi thường xuyên gặp sự cố. Thiếu nước và mùa khô hoặc hệ thống bị sạt lở, lũ quét vùi lấp, cuốn trôi vào mùa mưa, nhiều công trình “đắp chiếu”, hoặc tỷ lệ cấp nước đạt rất thấp. 

Tại Lai Châu, theo khảo sát của Viện Quy hoạch Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tỷ lệ cấp nước của 543 công trình NSH tập trung trên địa bàn chỉ đạt 22,9%. Còn tại Lào Cai, tỷ lệ cấp nước của 749 công trình NSH chỉ đạt 22,1%;… 

Các công trình NSH không đáp ứng nhu cầu nên phần lớn người dân miền núi vẫn phải dùng nước từ khe, suối hoặc từ nguồn nước ngầm (giếng đào, giếng khoan). Nhưng theo cảnh báo của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường), mực nước ngầm của nước ta đang hạ thấp theo thời gian, bình quân sụt giảm 5-10cm mỗi năm. 

Ngoài BĐKH thì việc khai thác tràn lan, nhất là tình trạng khoan giếng tùy tiện, là nguyên nhân khiến nguồn nước ngầm bị suy giảm. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có hơn 4 triệu giếng khoan; trong đó có hàng trăm nghìn giếng khoan không còn nước, nhưng không được lấp lại. Đây là nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm khi chất thải sinh hoạt và sản xuất sau mỗi lần lũ lụt theo đường giếng chui vào lòng đất.

Tình trạng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm đã là một thực tế từ nhiều năm nay. Kết quả phân tích của Bộ Y tế cho thấy, trong hơn 4 triệu giếng khoan trên cả nước thì có nhiều giếng có nồng độ asen (thạch tín) cao hơn 20-50 lần giới hạn cho phép (0,01mg/l). 

Ngoài ra, theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tình trạng ô nhiễm phốt phát (P-PO4) trong nước ngầm cũng đáng báo động. Tại khu vực Hà Giang-Tuyên Quang, hàm lượng sắt ở một số nơi cao vượt mức cho phép trên 1mg/l, có nơi trên 15-20mg/l.

Khoan, đào giếng lấy nước ngầm tràn lan là một trong những nguyên nhân làm suy giảm nguồn nước

Chính sách “lỗi nhịp”!

Từ năm 2004 đến nay, thực hiện chính sách hỗ trợ NSH cho đồng bào DTTS, hàng trăm nghìn công trình NSH đã được đầu tư xây dựng. Ngân sách Trung ương đã chi số tiền không nhỏ để thực hiện chính sách này.

Chỉ tính riêng thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg, theo Báo cáo số 5962/BC-BKHĐT ngày 23/8/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2013-2015, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ các địa phương 618,8 tỷ đồng đầu tư xây dựng 476 công trình NSH tập trung; hơn 324 tỷ đồng để hỗ trợ NSH phân tán 249.251 hộ. 

Trước đó, thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ-TTg, theo Báo cáo số 205/HĐDT12, ngày 8/5/2008 của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, giai đoạn 2004-2008, 1.141,34 tỷ đồng đã được bố trí để xây dựng 3.117 công trình NSH tập trung; 44,6 tỷ đồng để hỗ trợ cho NSH phân tán cho 148.816 hộ.

Tuy nhiên, theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, toàn vùng DTTS và miền núi hiện vẫn còn 313.291 hộ đồng bào DTTS thiếu NSH. Đặc biệt, tình trạng thiếu NSHđược dự báo sẽ ngày càng trầm trọng khi nguồn nước đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng. 

Việc bảo đảm NSH cho người dân miền núi càng khó khăn hơn bởi ngoài 313.291 hộ còn thiếu NSH thì tình trạng công trình NSH đã được xây dựng nhưng cấp nước không hợp vệ sinh (HVS) còn rất cao. Như ở Sơn La, trong 1.605 công trình NSH thì tỷ lệ cấp nước HVS chỉ đạt 29%; Bắc Kạn có 615 công trình thì tỷ lệ cấp nước HVS chỉ đạt 46%;… 

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận để thông qua nghị quyết về Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi. Đề án được kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để những vướng mắc trong phát triển vùng DTTS và miền núi hiện nay, trong đó có vấn đề NSH với những giải pháp mới, mang tính đột phá. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành