Vân Đồn: Nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Vân Đồn đã tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ, trọng tâm là hỗ trợ, tạo việc làm cho những hộ khó khăn được nâng cao thu nhập và đảm bảo đầy đủ chính sách bảo trợ xã hội đối với những trường hợp không có khả năng tự thoát nghèo.
|
Người dân xã Đài Xuyên (Vân Đồn) được cung cấp đầy đủ thông tin, giải đáp những thắc mắc về chính sách hỗ trợ hộ nghèo. |
Hộ nghèo đa chiều được xác định thông qua các tiêu chí: Thu nhập bình quân hằng tháng; mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin... Xác định rõ các tiêu chí này, huyện Vân Đồn đã chủ động cụ thể hóa các chương trình hỗ trợ giảm nghèo để bám sát nhu cầu thực tế của người dân địa phương. Trong đó, Phòng LĐ-TB&XH huyện chủ trì thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, triển khai rà soát, đánh giá hiện trạng của các hộ nghèo. Qua đó, các nguồn lực hỗ trợ được sử dụng hiệu quả, công bằng, không bỏ sót đối tượng.
Đối với hộ nghèo, tùy theo hoàn cảnh, nhu cầu, năng lực mà các hộ nhận được sự hỗ trợ khác nhau. Những hộ có người còn khả năng lao động nhận được hỗ trợ về vốn, giống, tư liệu sản xuất, về dạy nghề, việc làm để tự lực vươn lên thoát nghèo. Những hộ không may rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng tự thoát nghèo, thuộc diện bảo trợ xã hội thì được hưởng chính sách trợ giúp theo đúng quy định, đầy đủ và kịp thời.
Từ năm 2016 đến nay, huyện đã chi hỗ trợ gần 28,8 tỷ đồng cho gần 6.400 lượt người thuộc diện hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng; cấp gần 3.900 lượt thẻ bảo hiểm y tế theo quy định; hỗ trợ 80 tấn gạo thiếu đói khi xảy ra thiên tai, cần trợ giúp đột xuất. Cũng trong 3 năm qua, huyện bố trí nguồn kinh phí gần 680 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Đầu tư 32 công trình cơ sở hạ tầng cho các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng số 18 dự án phát triển sản xuất, 264 hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng...
Đối với các xã ngoài diện thụ hưởng từ Chương trình 30a và Chương trình 135, huyện triển khai 3 mô hình nuôi bò, trâu sinh sản với 86 hộ nghèo, cận nghèo tham gia; hỗ trợ bà con từng bước thay đổi thói quen canh tác, có ý thức tái đầu tư sản xuất bền vững. Huyện còn tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn để tạo điều kiện cho các học viên thuận lợi tìm được việc làm sau đào tạo... Năm 2018, huyện có gần 1.500 lao động được giải quyết việc làm ổn định với mức thu nhập khá, vượt 47,5% so với chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao. Trong đó bao gồm cả tự tạo việc làm tại chỗ, vào làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn và làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo đồng chí Đinh Thị Luyến, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, các hội, đoàn thể trong huyện cũng tích cực vào cuộc bằng nhiều cách làm, phong trào thiết thực. MTTQ huyện giúp đỡ hộ nghèo cải thiện nhà ở thông qua xây dựng Quỹ Vì người nghèo từ nguồn xã hội hóa. Các tổ chức Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Nông dân, Đoàn Thanh niên cũng xây dựng quỹ tiết kiệm cho vay không lấy lãi, đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ tín dụng nhằm đưa nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đến với gia đình hội viên, đoàn viên khó khăn... Cùng với thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện cũng quan tâm biểu dương, khen thưởng kịp thời những cách làm hay, mô hình hiệu quả, những tấm gương thoát nghèo, tạo động lực để người nghèo cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Đặt ra mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,7%, cận nghèo còn 3,8%, huyện Vân Đồn tiếp tục chú trọng triển khai linh hoạt, đồng bộ chuỗi giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, đồng thời khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo.
(baoquangninh.com.vn)