Về với huyện nghèo Kon Plông
Tỉnh Kon Tum có hai huyện thuộc Chương trình hỗ trợ xóa nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Ðó là huyện Kon Plông và huyện Tu Mơ Rông. Ðầu tháng 9 vừa qua, chúng tôi về huyện Kon Plông, thuộc vùng cao của tỉnh Kon Tum, tiếp giáp tỉnh A-tô-pư của nước bạn Lào.
Nhiều khó khăn và kinh tế chậm phát triển là điều dễ nhận thấy ở huyện vùng cao này. Cư dân thưa thớt sống trong những căn nhà đơn sơ, giao thông cách trở, có những xã mà trong mùa mưa, từ trung tâm huyện phải đi một buổi hoặc cả ngày mới tới được, đất ruộng trồng lúa một vụ không đủ tự cung tự cấp... Ðồng bào các dân tộc thiểu số chiếm tới 91% số dân và tỷ lệ hộ nghèo trong huyện là 60,1%. Vừa qua, trong một đợt ngành y tế tổ chức khám sức khỏe cho 60 người dân tại một bản thì phát hiện tới 20 trường hợp bị viêm gan!
Ðang là cuối mùa mưa ở Tây Nguyên, nhưng mây trời vẫn quần tụ mịt mùng ở vùng cao giao nhau giữa đông và tây Trường Sơn. Nhất là những khi ở dưới xuôi hoặc ngoài Biển Ðông có bão, áp thấp nhiệt đới thì mưa làm cho nhiều nẻo đường liên xã trong huyện phủ một lớp bùn nhão. Mỗi năm hai mùa, khoảng sáu tháng khô hạn, sáu tháng mưa dầm dề luân phiên nhau, gây ra những khó khăn, thách thức triền miên.
Thế nhưng, đồng bào các dân tộc cùng các cấp ủy và chính quyền ở Kon Plông không nản chí và lùi bước trước những thách thức đó.
Trước khi có Nghị quyết 30a nêu trên, huyện vùng cao này cũng đã đạt được những kết quả tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là trong công tác giáo dục, bảo đảm cho hầu hết trẻ em đến tuổi đi học được tới trường, bên cạnh đó là tổ chức định canh, định cư cho đồng bào ổn định cuộc sống. Nhưng dù sao vẫn trong tình trạng "lực bất tòng tâm".
Nghị quyết 30a như tiếp thêm sức sống mới cả về vật chất và tinh thần cho Kon Plông tiến nhanh và vững hơn trên bước đường giảm nghèo. Thực hiện Nghị quyết 30a và Quyết định 167/QÐ-TTg của Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, ngay từ đầu năm nay, Huyện ủy, UBND và các ban, ngành liên quan trong huyện đã xây dựng kế hoạch công tác cụ thể, tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện tới từng xã, thôn, bản. Chủ trương, chính sách hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước là tiền đề và điều kiện căn bản, sự tài trợ, đầu tư của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Ðầu tư Phát triển, Tập đoàn cao-su Việt Nam là nguồn lực to lớn và quý báu, nhưng vai trò quyết định vẫn là chính quyền và nhân dân trong huyện. Bởi vậy, huyện Kon Plông coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến để đồng bào quán triệt sâu sắc rằng xóa đói, giảm nghèo là sự nghiệp của toàn dân.
Việc cấp bách được ưu tiên làm trước là xóa nhà tạm. Huyện nhanh chóng tổ chức kiểm tra, lập danh sách các hộ nghèo đề nghị được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 167. Các hộ sẽ được hỗ trợ theo chính sách: Ngân sách Nhà nước cấp 7 triệu đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay không tính lãi 8 triệu đồng sau 5 năm mới thu hồi dần vốn gốc, công xây dựng nhà là do chính quyền, đoàn thể vận động nhân dân giúp nhau. Trong số 869 hộ đề nghị đợt một được phê duyệt thì đến đầu tháng 9-2009 đã có 479 hộ làm xong nhà mới, đạt tỷ lệ 55,1%, 179 hộ đăng ký bổ sung đợt hai đang được trình cấp trên xét. Ðáng chú ý là việc làm nhà có sự điều chỉnh hợp lý so với hướng dẫn. Theo hướng dẫn thì diện tích nhà 24 m2 và lợp tôn, nhưng thực hiện thì diện tích mỗi căn nhà phải từ 40 m2 trở lên và lợp ngói nhằm bảo đảm cuộc sống gia đình phù hợp điều kiện đất đai vùng núi còn rộng, nhân khẩu trong hộ thường đông và nếp sống của đồng bào vùng cao thường đun nấu ngay trong nhà.
Thực hiện Quyết định số 71/2009/QÐ-TTg ngày 29-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, đến giữa tháng 8 huyện đã đưa được 11 người đi lao động tại Ma-lai-xi-a (trong đó có tám người thuộc hộ nghèo dân tộc thiểu số) và đang xúc tiến tiếp công tác này ở các xã Ðăk Long, Măng Cành, Pờ Ê, Xã Hiếu.
Ðược Chính phủ cho phép tạm ứng 25 tỷ đồng đầu tư xây dựng, huyện đã tập trung vốn vào bốn công trình hạ tầng thiết thực, gồm đường giao thông nông thôn nối xã Ngọc Tem với tỉnh lộ, cấp nước sinh hoạt tại trung tâm huyện và hai công trình thủy lợi ở xã Măng Cành và xã Ðăk Long.
Một kết quả tích cực khác là Ðề án giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện Kon Plông giai đoạn 2009-2020 đã sớm hoàn thiện và được UBND tỉnh phê duyệt từ ngày 10-8-2009 và đang được triển khai thực hiện.
Những tiềm năng, thế mạnh của huyện vùng cao này đã đến thời cơ được phát huy, nhất là thế mạnh về du lịch với rừng già kỳ vĩ, hồ và thác nước trong xanh, thơ mộng..., có thể ví như Ðà Lạt 2 trên Tây Nguyên. Thị trấn Măng Ðen trên độ cao 1.100 - 1.400 m, quanh năm mát mẻ thanh bình với hàng trăm biệt thự xinh xắn đã và đang được xây dựng thấp thoáng dưới rừng thông trong sương sớm huyền ảo của cao nguyên có khí hậu gần như ôn đới ở châu Âu và nhiều điểm du lịch hấp dẫn của một nền văn hóa đặc sắc và những nơi ghi dấu ấn hào hùng của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Hơn thế, Kon Plông còn tiếp giáp với vùng đất mông mênh rừng già và nhiều lâm sản quý của nam Lào và cũng có thể từ đó dễ dàng đi tiếp sang Thái-lan, Mi-an-ma.
Kon Plông xa mà gần, bởi từ sân bay Plây Cu chỉ hơn một giờ ô-tô là về tới Kon Tum và hơn một giờ nữa là tới huyện lỵ Măng Ðen xinh đẹp... Và còn gần hơn nữa, bởi chính tại thị trấn Măng Ðen cao, rộng mà bằng phẳng cũng đã có sẵn một sân bay được xây dựng từ thời chiến tranh, nay có thể chuyển thành sân bay dân dụng với chi phí đầu tư chắc chắn không nhiều.
Theo Nguyễn Anh Dũng
(Báo Nhân dân điện tử)
[TT: NTV]