Vị Xuyên thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, huyện Vị Xuyên luôn thực hiện tốt các chính sách dân tộc nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển KT – XH, ổn định đời sống. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS tại địa phương.

Vị Xuyên thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số
Lãnh đạo huyện Vị Xuyên thăm hỏi bà con thôn Lùng Chang, xã Linh Hồ

Vị Xuyên có 25.100 hộ, với 111.357 khẩu; gồm 19 dân tộc cùng chung sống. Trong đó: Dân tộc Tày chiếm 35,8%, dân tộc Dao 22,8%, dân tộc Kinh 16,8%, dân tộc Mông 12,5%, dân tộc Nùng chiếm 6%. Đồng bào DTTS trên địa bàn huyện sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao biên giới có địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt và vô cùng khó khăn. Trước hoàn cảnh đó, huyện đã triển khai thực hiện Chương trình 135; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn…, đồng thời, lồng ghép với chương trình xây dựng Nông thôn mới. Qua đó, cơ sở hạ tầng và đời sống của đồng bào DTTS ngày được nâng lên.

Thực hiện Chương trình 135, huyện Vị Xuyên đã đầu tư xây dựng 119 công trình với kinh phí 97 tỷ đồng cho 124 thôn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ 24 triệu đồng cho những hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại các thôn đặc biệt khó khăn thuộc 21 xã, thị trấn về cây, con giống, vật tư, phân bón… Thực hiện Đề án 1965 của Chính phủ đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn được 112 lớp/3.611 người. Trong đó, có 3.605 người là đồng bào DTTS; tổ chức 15 lớp trung cấp nghề cho 390 học viên với các ngành nghề: Kế toán doanh nghiệp, điện công nghiệp, may, hàn…, tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đạt trên 80%.

Hiện, trên địa bàn xã Linh Hồ có 13 DTTS, chiếm 70% dân số. Nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc, đời sống vật chất của đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện. Đến thăm mô hình chăn nuôi của gia đình chị Đặng Thị Thích, dân tộc Dao, thôn Lùng Chang (Linh Hồ), được chị chia sẻ: Ban đầu, hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn; được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền; năm 2017, chị mạnh dạn nuôi lợn giống; đến nay, đàn lợn phát triện tốt và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2019, chị được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng để nuôi trâu hàng hóa; tổng thu nhập của gia đình chị đạt 70 triệu đồng/năm.

Nhìn chung, hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện đến nay cơ bản đã được hoàn thiện; các tuyến đường liên xã, liên thôn được đảm bảo; 91% số xã đã có điện, 24 xã có nhà văn hóa thôn và 100% số xã có Trung tâm Văn hóa thông tin; cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, hầu hết DTTS trên địa bàn huyện đều sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa, dọc tuyến biên giới, địa hình cũng như khí hậu phức tạp; trình độ dân trí không đồng đều, dẫn đến việc tiếp cận với tiến bộ khoa học kĩ thuật còn hạn chế. Đồng chí Đặng Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng Nông thôn mới; tuyên truyền định hướng cho bà con lựa chọn những mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện từng vùng; nhằm đảm bảo cho đồng bào các DTTS khai thác hết tiềm năng của địa phương; đồng thời, thực hiện tốt chính sách tín dụng, tạo điều kiện giúp cho đồng bào DTTS vay vốn tín dụng phát triển sản xuất.

Cùng với những chính sách hỗ trợ thiết thực được triển khai tại vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã, đang góp phần phát huy được ý chí, sự tích cực của người dân; tạo động lực thúc đẩy phát triển KT – XH, xóa đói, giảm nghèo.

(baohagiang.vn)

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành