Vùng cao Văn Bàn khởi sắc
Tháng Tám, trên đỉnh Khau Co vùng cao Văn Bàn, sắc trời thu xanh thăm thẳm, gió ngàn lồng lộng trên những lá cờ đỏ tung bay trước sân nhà đồng bào Mông xanh bản Tu Thượng. Vùng căn cứ cách mạng năm xưa gian khó mà kiên cường, nay đang đổi thay từng ngày, xây dựng nông thôn mới, vươn tới ấm no, giàu có.
Nậm Xé là xã vùng cao khó khăn nhất của huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai), nổi tiếng với đèo Khau Cọ (sau chệch thành Khau Co), tiếng đồng bào bản địa gọi là Cửa Gió, hiểm trở bậc nhất vùng núi cao phía tây nam của Lào Cai. "Trước đây, Nậm Xé như một ốc đảo bởi núi cao, vực sâu, cách huyện lỵ Văn Bàn gần 50 km, đường mòn cheo leo chỉ có thể đi bộ hoặc cưỡi ngựa. Cán bộ xã ra huyện họp phải dậy từ tờ mờ sáng, nắm cơm vắt kèm theo gói muối vừng, cuốc bộ đến tối mịt mới đến nơi", nguyên Bí thư đầu tiên người Mông xanh của xã Nậm Xé là ông Vàng A Sáng, đã ngoài 70 tuổi, bồi hồi nhớ lại. Nậm Xé từng là vùng căn cứ địa kháng chiến chống thực dân Pháp và tiễu phỉ, giải phóng huyện lỵ Văn Bàn và tỉnh Lào Cai những năm 1950. Dựa vào núi non hiểm trở, quân và dân Lào Cai đã phục kích giặc ở đèo Khau Co, đánh thắng đồn Dương Quỳ, giải phóng quê hương Văn Bàn, tiền đồn phía tây nam của tỉnh Lào Cai ngày ấy.
Rảo bước trên quốc lộ 279 trải nhựa phẳng mịn, rộng rãi, nối từ thành phố Lào Cai đến huyện lỵ Văn Bàn, qua Nậm Xé, vượt đỉnh đèo Khau Co thông sang "vựa lúa" Than Uyên của tỉnh Lai Châu, ông Vàng A Sáng xúc động: Nhờ có Ðảng và Nhà nước làm con đường lớn 279 mà người Mông xanh nơi đây mới thoát cảnh bị "trói chân, bịt mắt", giao thương với bên ngoài, để học cách làm ăn, xóa nghèo, có cuộc sống tốt hơn". Nậm Xé nằm trên độ cao hơn 800 m so với mực nước biển, núi rừng trùng điệp với nhiều loại gỗ quý và động thực vật quý hiếm, là nơi duy nhất ở vùng tây bắc có hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Mông xanh sinh sống. Quốc lộ 279 thông thương trung tâm huyện Văn Bàn với vùng cao Nậm Xé như cú huých đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội nơi đây. Ðề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với bảo vệ rừng của Ðảng bộ Văn Bàn mở hướng cho đồng bào Mông xanh chuyển đổi cây trồng vật nuôi, bảo vệ rừng để trồng cây dược liệu quý thảo quả, kết hợp chăn nuôi gia súc, tạo nguồn thu nhập ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống. Nhờ nhận khoán bảo vệ hàng chục héc-ta rừng phòng hộ, dưới tán rừng trồng thảo quả, trồng cỏ nuôi hàng chục con trâu giống tốt, hằng năm gia đình ông Lý A Xu, Vàng A Kho ở Nậm Xé thu nhập hơn trăm triệu đồng, là tấm gương lan tỏa cho đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày... trong vùng làm theo, vươn lên xóa nghèo bền vững. Ở các bản Tu Thượng, Tu Hạ, Tu Náng, Nậm Xi Tan đều đã có đường giao thông được cứng hóa, điện lưới, người dân thi đua làm ăn, bảo tồn văn hóa dân tộc mình ở nơi Cửa Gió ngút ngàn mây bay, gió thổi.
Huyện vùng cao Văn Bàn, có diện tích đất canh tác lúa nước lớn nhất Lào Cai, trong đó cánh đồng Võ Lao rộng hơn 540 ha, được coi là vựa thóc của tỉnh. Ðể không chỉ là vựa lúa, bảo đảm an ninh lương thực cho tỉnh mà còn để người dân có thu nhập cao hơn từ nghề làm lúa, Ðảng bộ và chính quyền huyện Văn Bàn tập trung dồn điền đổi thửa, vận động nông dân làm cánh đồng một giống. Bí thư Huyện ủy Văn Bàn, Nguyễn Thành Sinh giải thích: Trước đây, nông dân cấy nhiều loại giống, có xã cấy đến 20 loại giống lúa, dẫn đến chi phí đầu vào cao, chất lượng gạo kém, không đồng nhất, hiệu quả kinh tế thấp. Ðến nay, Văn Bàn đã có 1.482 ha cấy một giống lúa, canh tác theo kỹ thuật tiên tiến SRI, năng suất lúa tăng lên tám tạ/ha, sản lượng lúa tăng thêm gần 10 nghìn tấn, bỏ thêm vào túi nông dân hơn 55 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, huyện tạo cơ chế, chính sách thông thoáng, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn, phần lớn là đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy... Dự án trồng cây gai lấy sợi xuất khẩu cho Nhật Bản đang được Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Phước thực hiện ở các xã Hòa Mạc, Dương Quỳ. Mỗi năm ba lần thu hoạch, trồng một lần thu hoạch trong bốn đến sáu năm, thu nhập gấp ba đến bốn lần so với trồng ngô, tạo việc làm cho lao động các lứa tuổi. Văn Bàn hiện có 29 trang trại và 27 hợp tác xã, mở thêm các nghề trồng nấm, chế biến gỗ rừng trồng, nuôi thủy sản, dịch vụ nông nghiệp, du lịch…, nâng giá trị bình quân trên một héc-ta đất canh tác đạt 74 triệu đồng, giảm 19,7% số hộ nghèo. Mới đây, Tập đoàn TH đã ký thỏa thuận đầu tư trị giá 5.000 tỷ đồng để đầu tư trồng cỏ, cây dược liệu; xây dựng cơ sở chăn nuôi và sản xuất sữa tươi cao cấp, thực phẩm dinh dưỡng, mở hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững ở địa phương giàu tiềm năng này.
"Văn Bàn còn được ví như mái nhà phòng hộ của tỉnh Lào Cai, vì thế chúng tôi tập trung bảo vệ rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng và tích cực trồng rừng mới, xác định là mũi nhọn kinh tế thứ hai của huyện", Chủ tịch UBND huyện Phan Trung Bá nói. Những năm qua, huyện thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng, không khai thác gỗ tự nhiên, đồng thời trồng thêm hàng nghìn héc-ta rừng sản xuất, nâng độ che phủ lên 63%, cao nhất tỉnh. Nhờ vậy, hàng chục con suối lớn như Nậm Xây Luông, Nậm Khóa, Nâm Tu, Ngòi Nhù... luôn đầy nước, từ đó thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng 16 nhà máy thủy điện, đang phát điện lên lưới với tổng công suất 203MW, là một trong những nguồn thu ngân sách lớn của huyện.
Đi trên những con đường bê-tông sạch sẽ, thuận tiện đến các thôn, bản vùng cao, vùng sâu ở Văn Bàn hôm nay, thấy rõ sự đổi thay của nông thôn miền núi. Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã xóa đường đất, đường mòn lầy lội, cheo leo, đi bộ hoặc đi ngựa, thay vào đó là đường bê-tông, ô-tô, xe máy vào tận thôn bản xa xôi. Ðến nay, huyện đã có tám xã đạt chuẩn nông thôn mới. Vùng cao Văn Bàn đang khởi sắc, cuộc sống của đồng bào ngày càng ấm no.
nhandan.org.vn