Vùng đồng bào dân tộc huyện Quang Bình đổi thay nhờ 135

Trở thành thương hiệu gắn kết với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), từ giai đoạn 2014 - 2019, Chương trình 135 với nhiệm vụ chính là hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đã góp phần làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn ở các xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện Quang Bình.

Chương trình 135 làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyến đường vào thôn Tân Bình, xã Tân Nam được đổ bê tông từ Chương trình 135.

 

Huyện Quang Bình có 8/15 xã, thị trấn, gồm: Tân Nam, Tiên Nguyên, Bản Rịa, Xuân Minh, Tân Bắc, Nà Khương, Yên Thành, Hương Sơn thuộc vùng III và 14 thôn ở xã vùng II thuộc diện đặc biệt khó khăn được hưởng thụ trực tiếp từ Chương trình 135. Với xuất phát điểm hầu hết các địa phương đều thuộc vùng sâu, vùng xa; cơ sở hạ tầng thiết yếu thấp kém hoặc chưa được đầu tư; các yếu tố xã hội chưa đạt mức tối thiểu, trình độ dân trí thấp, điều kiện sản xuất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đa số. 

Trong vòng 5 năm qua, với kinh phí hỗ trợ trên 50 tỷ đồng, huyện đã đầu tư nâng cấp và sửa chữa 65 công trình giao thông (cầu đường); 26 trường, lớp học; 45 công trình thủy lợi; 11 công trình điện lưới và hàng chục công trình nước sinh hoạt, y tế, trụ sở thôn và nhà sinh hoạt cộng đồng. 

So với nhu cầu thực tế vẫn chưa thể đáp ứng đủ, nhưng cũng đã tạo ra sự thay đổi rõ nét về KT - XH. Đến nay, các xã đều có đường ô tô đến trung tâm;  nhiều nơi, điện lưới về tận thôn bản xa xôi, lớp học tạm dần được xóa, hệ thống trạm y tế đạt chuẩn đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đã đẩy nhanh quá trình giảm nghèo tại địa phương.

Con đường từ thôn Nà Chõ đến trung tâm thôn Tân Bình dài khoảng 7 km, phục vụ đi lại cho 28 hộ với 136 khẩu nhưng vô cùng gian truân. Mùa mưa, xe máy khó có thể đi lại được do đường trơn trượt; có hôm học sinh trong bản không thể đến trường. Nhờ sự đầu tư từ Chương trình 135, thôn được bê tông hóa 1,5 km đường giao thông, dù chỉ một phần nhưng đã làm vơi đi nỗi vất vả và tạo điều kiện cho bà con giao thương hàng hóa được thuận lợi. 

Ngoài ra, người dân còn được hỗ trợ tiền dầu thắp sáng, gạo, tiền cho học sinh đến lớp và giống keo, bồ đề để trồng rừng. Tôi cảm ơn sự quan tâm chu đáo của Đảng và Nhà nước; chúng tôi sẽ cố gắng vươn lên để sớm thoát khỏi tình trạng nghèo”.

Bên cạnh đó, vốn sự nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất với kinh phí trên 18 tỷ đồng, Chương trình 135 đã hỗ trợ cho các hộ nghèo về giống lúa, ngô, đậu tương, cây chè, cây ăn quả, dược liệu, cỏ chăn nuôi, giống gia súc, vật tư và phân bón. Năm 2018, xã Tân Trịnh và Tân Bắc đã nhân rộng mô hình giảm nghèo bằng cách nuôi lợn sinh sản luân chuyển cho 55 hộ, với số tiền 600 triệu đồng. 

Đồng bào các DTTS cho rằng, nhờ được phổ biến, tiếp thu, học tập các mô hình làm ăn hiệu quả kết hợp với các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao đã làm thay đổi nhận thức của người dân, trao cơ hội cho nhiều hộ thoát nghèo, có thu nhập ổn định. Minh chứng thể hiện rõ nhất, năm 2014, mức thu nhập bình quân của người dân đạt 22 triệu đồng, thì đến hết năm 2018 đạt 28 triệu đồng; lương thực bình quân đạt 650 kg/người/năm.

Chuyển đổi cây trồng trên đất một vụ lúa, người dân được hỗ trợ về giống, ni lon che phủ, tập huấn kỹ thuật chăm sóc dưa hấu. Nhìn chung, việc trồng dưa hấu hoàn toàn phù hợp với đất đai, khí hậu nơi đây. Chương trình đưa giống cây trồng mới vào sản xuất rất hữu ích, nhìn thấy hiệu quả kinh tế nên bà con đồng tình ủng hộ.

Qua tiếp xúc, người dân thôn Nậm O, xã Tân Bắc nhận thấy quá trình triển khai Chương trình 135 đảm bảo dân chủ, công khai và có sự tham gia của người dân từ việc lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, thực hiện, tổ chức giám sát đến nghiệm thu bàn giao và đưa vào sử dụng… 

Thông qua chương trình hỗ trợ sản xuất là “đòn bẩy” để bà con phát triển kinh tế, nhất là việc ưu tiên cho cây chè Shan tuyết mũi nhọn và có hướng mở rộng diện tích trong thời gian tới.

Từ năm 2016 đến nay, Chương trình 135 còn mở rộng thêm Dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cở sở; đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS, trưởng thôn, chi hội phụ nữ, cán bộ công chức cấp xã  tham gia các lớp tập huấn đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện công tác dân tộc và các chính sách dân tộc. Với mục tiêu cốt lõi là giảm nghèo bền vững, huyện Quang Bình sẽ thực hiện hiệu quả Chương trình 135 giai đoạn tiếp theo nhằm mang đến nhiều khởi sắc trong phát triển KT - XH.

 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành