Vùng sâu vươn lên thoát nghèo
Những bản làng đặc biệt nghèo, khó ở vùng cực tây tỉnh Nghệ An đang vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. Tuy nhiên, nơi đây vẫn cần những quyết sách lớn, đủ mạnh, có tầm nhìn dài hạn, để việc thực thi hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật giảm nghèo đạt hiệu quả bền vững.
Viên thuốc và con chữ
Chặng đường gần 75 km từ thị trấn Mường Xén vào các thôn, bản heo hút xã Keng Ðu gập ghềnh đèo dốc. Chừng vài chục dốc núi hiểm trở chênh vênh và liên tục cua gấp, khiến chiếc xe ô-tô chở chúng tôi đi qua các xã Phà Ðánh, Huồi Tụ, Na Loi, Ðoọc Mạy chốc chốc phải khựng lại để lấy đà vượt dốc.
"Tốt nhất là đừng ngó ra ngoài!" - đồng chí Oanh, cán bộ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện biên giới Kỳ Sơn cảnh báo. Ðiệp trùng núi thẳm, vực sâu... Xa xa là thượng nguồn sông Nậm Nơn chảy uốn lượn từ phía đất bạn Lào sang. Bên kia sông là dãy núi Sào Vang thuộc cụm Bồ Nhia, cụm Huồi Lôm, huyện Noọng Hẹt, tỉnh Xiêng Khoảng.
Chúng tôi đến xã Keng Ðu vào tầm trưa, một vùng đất lọt thỏm giữa thung lũng miền xa ngái. Xã có 10 bản, 830 gia đình dân tộc Khơ Mú và Thái sinh sống, với hơn 4.200 nhân khẩu, trong đó, bà con Khơ Mú chiếm gần 93% tổng số dân toàn xã. Qua cuộc trò chuyện với các cán bộ cựu trào bám bản làng gây dựng phong trào, thông thổ đất và người nơi đây, chúng tôi được biết: Nhiều năm qua, từ các chương trình, dự án của Nhà nước, như 134, 135, 167 và chương trình 30a, tình hình kinh tế - xã hội ở xã Keng Ðu và nhiều xã biên giới đặc biệt khó khăn trong huyện đã từng bước được cải thiện.
"Giờ thì dân Khơ Mú không còn cảnh thiếu đói thường xuyên. Từ khi có đường to, dân không còn cắt cử thanh niên trai tráng "võng gánh" người bệnh tới hai ngày một đêm mới đến được nơi cấp cứu ở bệnh viện tuyến huyện!". - Anh Moong Văn Kèo, y sĩ, Trạm phó Y tế và dược sĩ Moong Văn Thành, đều là người Khơ Mú, cười tươi kể khi dẫn khách đi thăm dãy nhà khám, chữa bệnh khang trang. Phòng khám bệnh được quét vôi sạch sẽ, khang trang, có thiết bị máy khí dung, bộ tiểu phẫu, hộp thuốc kháng sinh chống phù nề, bộ điện giải... Dược sĩ Moong Văn Thành cho biết: "So với trước, rứa (thế) là một trời một vực! Giờ có ca nào viêm ruột thừa, hay ca đẻ khó, chở xe máy tầm bốn tiếng là tới bệnh viện huyện". Trạm phó Moong Văn Kèo cho biết thêm, thực hiện mô hình quân dân y kết hợp, mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu đã phủ sóng tới tận bản, trong đó có Quyết Thắng là bản xa nhất - cách trung tâm xã chừng một giờ đi xe máy. Tất cả trẻ em đều được tiêm chủng vắc-xin phòng lao, ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan, viêm não...
Chuyển qua chuyện học chữ, xã nghèo Keng Ðu một thời đói kém, lạc hậu, hủ tục đeo đẳng, nay chứng kiến bước đổi thay mang tính cách mạng trong ý thức, tư duy tự giác của người dân. Trò chuyện với các cô giáo lớp mầm non bán trú, chúng tôi được biết: Ðã từ rất lâu, không còn chuyện cô giáo phải lặn lội xuống tận nhà gõ cửa vận động bố mẹ cho con đến lớp. Hằng tuần, các bố mẹ trẻ mang củi, gạo, rau xanh vui vẻ dắt con tới lớp. Cô giáo Lục Thị Thành cho biết, trẻ bốn, năm tuổi ra lớp đạt 100%, trẻ ba tuổi cũng đạt gần 80%, thậm chí những bản xa giờ đây đều có cô giáo cắm bản.
Thầy giáo Nguyễn Văn Trường, Phó Hiệu trưởng Trường THCS dân tộc bán trú Keng Ðu cho biết: Xã có bốn trường học, gồm một trường mầm non, hai trường tiểu học, một trường THCS bán trú. Trong năm học 2013- 2014, có 74 lớp với 1.200 em học sinh các cấp. Trường lớp được đầu tư xây dựng cơ bản kiên cố, công tác dạy và học từ cơ sở chính đến các bản lẻ, chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Ðã có 17 giáo viên ở xã đạt chuẩn giáo viên giỏi cấp huyện, 37 giáo viên dạy giỏi cấp trường. Mừng hơn là học sinh tốt nghiệp bậc THCS đạt 95%, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Xã cũng đã hoàn thành chương trình mầm non vào học lớp một đạt 100%...
Nhọc nhằn vượt nghèo
Nhìn chếch xa xa, 121 nóc nhà của đồng bào Khơ Mú nằm trên lưng chừng đồi thuộc bản văn hóa Hạt Tà Vén giáp biên. Nhà nào cũng lợp mái tôn, chí ít cũng bờ-rô xi-măng. Chín trong tổng số mười bản của xã có đồng bào Khơ Mú sinh sống, còn bản duy nhất là của bà con dân tộc Thái. Lãnh đạo xã cho biết, từ khi Nhà nước triển khai các chương trình hỗ trợ xây dựng hạ tầng thiết yếu, cuộc sống của nhân dân ngày càng được đổi thay, các bản Huổi Phôn 1, Huổi Phôn 2, Kèo Cơn, Huổi Lê đều đạt danh hiệu bản văn hóa. Bí thư Ðảng ủy xã Keng Ðu, Lô May Măn nói: Dẫu là xã nghèo, bản nghèo nhưng khi được các đoàn thể giúp đỡ, chương trình xóa nhà tranh, vách đất, nhà tạm đã giúp nhiều gia đình nghèo có được ngôi nhà mới khang trang, chắc chắn không sợ mưa bão.
Hiện tại, cán bộ, nhân dân xã Keng Ðu đang thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", và cùng Bộ đội Biên phòng bám dân, bám bản giữ biên giới bình yên. Quân và dân địa phương luôn làm tốt công tác tuần tra, bảo vệ an toàn hệ thống đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh - chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. "Những năm qua không để xảy ra vụ việc phức tạp và điểm nóng, không xảy ra hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện, truyền đạo trái pháp luật và di cư trái phép"- Trung tá Phan Văn Xuân, Ðồn trưởng Biên phòng cho biết.
Tuy nhiên, chặng đường vươn lên thoát nghèo, vẫn còn nhiều trắc trở đối với xã nghèo Keng Ðu. Lãnh đạo xã cho biết, người dân vẫn quen tập quán phát nương, làm rẫy và chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ. Toàn xã chỉ có 24 ha diện tích gieo cấy lúa nước, trong khi diện tích lúa rẫy gieo trỉa có tới 1.600 ha. Mặt khác, vì địa lý cách trở, người dân nơi đây vẫn chưa một ngày được sử dụng điện lưới. Tương tự như xã Keng Ðu, ở nhiều xã đặc biệt khó khăn khác như Mỹ Lý, Mường Ải, Mường Típ, Bảo Thắng... của huyện Kỳ Sơn cũng chưa có điện thắp sáng.
Ðiều đáng nói là ở Keng Ðu, xã xa nhất vùng cực tây biên giới Nghệ An, và huyện Kỳ Sơn từng nằm trong "tốp đầu" các huyện nghèo nhất nước, trọng trách thoát nghèo, giảm nghèo suốt cả chục năm qua là sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nỗ lực nội tại của địa phương, cộng đồng. Bên cạnh đó là nguồn lực rất lớn của trung ương và tỉnh, huyện hỗ trợ. Thế nhưng, tính đến đầu năm 2014, cả xã vẫn còn khoảng 600 hộ nghèo, chiếm 72,4%. "Ngoài ra mấy chục hộ cận nghèo vẫn ngấp nghé ranh giới nghèo nếu như "dính" bão lũ, thiên tai, mất mùa có thể xảy ra bất cứ lúc nào..."- Bí thư Ðảng ủy xã Keng Ðu cho biết.
Là vùng đất khắc nghiệt, địa hình chủ yếu núi cao, ở xã Keng Ðu, hằng năm mùa khô thời tiết lạnh giá, sương mù bao phủ, khe suối nguồn nước cạn kiệt. Do thiếu nước tưới cho nên mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ hè thu. Người dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất, đối mặt với gió lốc, lũ quét, lũ ống, làm sạt lở đường sá... Ðược biết, năm nào mưa gió bất thường, hạn hán, tầm khoảng 70 đến 80% số nhà dân thiếu gạo ăn từ năm đến sáu tháng liền. Tỉnh, huyện phải hỗ trợ gạo, tiền giúp bà con. "Thậm chí dân phải kéo nhau vào rừng đào củ mài, hái bông đót và đào củ khúc khắc bán, hay vay giật tạm anh em họ hàng mua gạo để sống qua ngày"... Bí thư Ðảng ủy xã vùng biên giới cho biết.
Rõ ràng từ thực tiễn, chặng đường phát triển đi lên còn biết bao trắc trở, bộn bề đối với người dân xã Keng Ðu và các xã đặc biệt khó khăn ở huyện Kỳ Sơn, và hầu hết các huyện nghèo miền tây của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, miền núi phía bắc khác. Không riêng huyện Kỳ Sơn, với hàng nghìn thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn cả nước, chặng đường thoát nghèo bền vững, vẫn còn bộn bề gian truân phía trước.
Kỳ Sơn nằm trong số 62 huyện nghèo, khó khăn nhất của cả nước. Toàn huyện có 21 xã, thị trấn, 193 bản - trong đó có 11 xã biên giới. Tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo trung bình trong huyện là 60,93%. Ðến nay, vẫn còn 12 xã chưa có điện lưới quốc gia vào đến trung tâm.
Thực trạng vùng đồng bào dân tộc thiểu số cả nước:
- Hơn 100 xã chưa có đường ô-tô đến trung tâm xã.
- Hơn 14 nghìn thôn, bản chưa có trục đường giao thông được cứng hóa.
- Hơn 200 xã chưa có điện đến trung tâm.
- Hơn 8.000 thôn, bản chưa được sử dụng điện.
- Gần 327 nghìn hộ đồng bào thiếu đất ở, đất sản xuất.
- Hơn 294 nghìn hộ cần được hỗ trợ nước sinh hoạt.
(Nguồn: Báo cáo của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội).
"Thời gian tới, cần phải sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách về miền núi theo định hướng hình thành chính sách tổng thể, mục tiêu dài hạn. Một trong những giải pháp ưu tiên tiếp tục tập trung ở vùng đặc biệt khó khăn, dành nguồn lực của giai đoạn còn lại cho các huyện, xã nghèo, chú trọng đầu tư hạ tầng tiếp cận dịch vụ và hạ tầng sản xuất. Bên cạnh đó, giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp, thay bằng chính sách khuyến khích để người dân tự vươn lên, tăng hướng dẫn nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm tại chỗ, khuyến khích hộ nghèo vay vốn sản xuất".
PHẠM THỊ HẢI CHUYỀN
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội
(Nguồn: Báo Nhân dân)