Xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo ở xã Mò Ó
Xã Mò Ó, huyện Đakrông là 1 trong 8 xã được UBND tỉnh Quảng Trị chọn triển khai thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Toàn xã có diện tích tự nhiên 2.523 ha, dân số 483 hộ, 1.835 nhân khẩu, sinh sống tập trung trên địa bàn 5 thôn, trong đó 4 thôn là người đồng bào dân tộc Vân Kiều.
Nhận thức xây dựng NTM là chương trình mang tính toàn diện để giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, mà trọng tâm là xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trong thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Mò Ó đã sớm ban hành chương trình hành động, các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, đề án..., lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, tiêu chí về xây dựng NTM, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy nội lực, thúc đẩy bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc. Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, xã Mò Ó đã đạt được 8/19 tiêu chí NTM (quy hoạch, thủy lợi, bưu điện, y tế, văn hóa, an ninh trật tự, điện và hệ thống chính trị), là điểm sáng trong xây dựng NTM của các xã miền núi phía Tây Quảng Trị.
Nét nổi bật trong xây dựng NTM ở xã Mò Ó là mặc dù thuộc diện xã miền núi đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, nhưng tất cả các con đường giao thông nông thôn chạy về các thôn, xóm đều được bê tông hóa, điều không dễ dàng gì các xã thuận lợi ở miền xuôi làm được. Anh Nguyễn Đức Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Mò Ó vui mừng cho biết: “Điều đáng ghi nhận là đồng bào dân tộc thiểu số không còn trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước, mà sẵn sàng hiến đất, giải phóng mặt bằng để thi công mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn. Từ năm 2010 về trước, hầu hết các tuyến đường ở xã Mò Ó đều nhỏ hẹp, lởm chởm đá sỏi hoặc nhão nhoẹt bùn đất, thì bây giờ bà con đã hiến đất làm đường đi lại rộng rãi, thông thoáng, không còn lầy lội. Ngay cả đường giao thông nội đồng cũng được bà con tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng mở rộng cho xe ô tô ra đến tận ruộng. Tuy còn nhiều tiêu chí NTM chưa đạt được, nhưng nhìn đường giao thông nông thôn ở miền núi được bê tông hóa toàn bộ là đủ thấy NTM hiện hữu rồi”.
Trước đây, một bộ phận người dân miền núi còn trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước, không muốn thoát nghèo vì diện bao phủ chính sách hỗ trợ hộ nghèo quá rộng. Nhưng, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân, nên vai trò chủ thể trong xây dựng NTM của cộng đồng dân cư nông thôn miền núi được nâng lên. Hiện bà con dân tộc thiểu số ở xã Mò Ò không còn du canh du cư, đốt rừng làm rẫy nữa, mà biết trồng lúa nước 2 vụ cho năng suất cao, đảm bảo an ninh lương thực. Ngoài các công trình thủy lợi như Khe Lưỡi Câu, Khe Luồi, Khe Chàn, Khe Nhoong và trạm bơm Đồng Đờn đang phát huy tác dụng tưới tiêu cho gần 100 ha lúa, người dân còn vận động nhau chặt tre nứa hoặc mua ống cao su làm máng dẫn nước từ các khe suối về để khai hoang trồng lúa ở những nơi diện tích bằng phẳng mà công trình thủy lợi chưa vươn tới.
Từ năm 2009 đến nay, diện tích khai hoang trồng lúa nước của bà con lên đến hơn 10 ha. Hiệu quả từ cây lúa nước đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, tập quán canh tác “phát, đốt, cốt, trỉa” lạc hậu phụ thuộc vào thiên nhiên của đồng bào dân tộc ở xã Mò Ó, đồng thời tạo sức bật thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân miền núi. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn xã Mò Ó đạt 386,5 ha, sản lượng lương thực có hạt gần 700 tấn, cơ bản giải quyết được vấn đề an ninh lương thực tại chỗ. Diện tích trồng lúa rẫy trước kia của bà con được chuyển sang trồng cây ăn quả, trồng rừng để phủ xanh đất trống đồi núi trọc, hạn chế được tình trạng chặt phá rừng, góp phần bảo vệ môi trường. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước chuyển dịch đúng hướng, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện đáng kể. Tỉ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2013 giảm xuống còn 21,3%, bình quân giảm 6%/năm.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững cho người dân, với đặc thù là xã miền núi khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo còn cao, từ năm 2012, xã Mò Ó là 1 trong 3 xã (Hướng Hiệp, Mò Ó, A Ngo) của huyện Đakrông triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ cam kết thoát nghèo bền vững (phương án 39) cho 10 hộ dân/xã. Theo đó, mỗi hộ nghèo tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ trực tiếp từ các chương trình, dự án với số tiền khoảng 30 triệu đồng để mua 2 con bò cái sinh sản và làm chuồng trại; trồng 1- 1,5 sào cỏ voi cung cấp thức ăn cho bò; hỗ trợ giống cây lâm nghiệp, phân bón và một phần nhân công phát thực bì, đào hố trồng và chăm sóc 1- 2 ha rừng thâm canh; hỗ trợ giống, vật tư, phân bón để trồng các loại cây ngắn ngày vụ đầu tiên như lúa nước, ngô, lạc, đậu các loại; hỗ trợ khai hoang phục hóa hoặc hỗ trợ chuyển nhượng đất sản xuất đối với hộ nghèo không có đất sản xuất. Nhờ đó, đến nay có hơn 80% số hộ tham gia mô hình từng bước thoát nghèo.
Từ hiệu quả mô hình này, Đảng ủy, UBND xã đang chỉ đạo thông qua các chương trình, dự án để hỗ trợ nhân rộng cho 14 hộ ở 2 thôn Phú Thành và Ba Rầu (nằm ngoài mô hình của huyện). Đây là cơ hội giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân, vấn đề them chốt trong xây dựng NTM.
Chị Hồ Thị Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Mò Ó cho biết: “Khó khăn nhất trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM ở xã miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là giảm nghèo bền vững cho người dân. Trước đây, nhiều hộ nghèo ở xã Mò Ó cũng nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án để thoát nghèo, nhưng do không có cam kết ràng buộc giữa chính quyền địa phương với các hộ dân; mặt khác ý thức của người dân còn hạn chế, nên khi được hỗ trợ gia súc, gia cầm thì một bộ phận nhân dân đem bán hoặc chăm sóc chưa tốt nên hiệu quả thoát nghèo còn thấp. Với mô hình cam kết hỗ trợ thoát nghèo bền vững này và hiệu quả từ việc trồng cây lúa nước, trồng rừng..., thì chắc chắn kinh tế- xã hội của xã Mò Ó sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân cải thiện rõ rệt, từ đó các tiêu chí xây dựng NTM sẽ thực hiện dễ dàng hơn”.