Xây dựng nông thôn mới: Vùng khó cần có cơ chế đặc thù

Nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi đang tỏ ra “hụt hơi” trên hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Nếu không có giải pháp đặc thù để đầu tư phát triển toàn diện thì sự chùng xuống của phong trào xây dựng NTM là rất dễ xảy ra.

Xây dựng NTM ở miền núi chỉ quyết tâm thôi là chưa đủ mà phải có cơ chế đặc thù.

Chênh lệch lớn

Khởi đầu từ năm 2010, với xuất phát điểm là con số “Không” tròn trĩnh, đến nay, cả nước đã có 4.665 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 52,4% tổng số xã trên cả nước; 8 tỉnh thành phố có 100% số xã đạt chuẩn; Nam Định, Đồng Nai trở thành 2 tỉnh NTM đầu tiên của cả nước. 

Nhưng kết quả xây dựng NTM đang có sự chênh lệch quá lớn giữa các vùng miền. Hầu hết các xã chưa đạt chuẩn NTM hiện đều là các xã ở vùng khó khăn, có đông đồng bào DTTS sinh sống. 

Thông số rõ nét nhất cho sự chênh lệch giữa các địa bàn là thu nhập của người dân nông thôn-chủ thể trong xây dựng NTM. Theo thống kê của Văn phòng điều phối xây dựng NTM Trung ương, thu nhập bình quân của người dân nông thôn trên cả nước năm 2010 chỉ đạt trên 1 triệu đồng/người/tháng thì nay được nâng lên xấp xỉ 3 triệu đồng/người/tháng. 

Nhưng ở nhiều xã miền núi, có đông đồng bào DTTS sinh sống thì thu nhập bình quân của người dân chưa đạt được mức của bình quân chung của cả nước cách đây 10 năm. Kết quả khảo sát của Ủy ban Dân tộc làm cơ sở để xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 tới đây cho thấy, thu nhập bình quân của đồng bào DTTS ở khu vực miền núi chỉ bằng khoảng 30% so với bình quân chung cả nước.

Cùng với thu nhập bình quân thấp thì ở các địa bàn DTTS và miền núi, chưa đạt chuẩn NTM có tỷ lệ hộ nghèo rất cao; không chỉ ở đơn vị hành chính cấp xã mà cả với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh. Như Cao Bằng, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện khoảng 28% thì hộ nghèo là đồng bào DTTS đã chiếm trên 99% tổng số hộ nghèo. 

Tính chung cả nước, dự kiến đến hết năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm xuống còn khoảng 4,35%, tương ứng cả nước còn khoảng dưới 1 triệu hộ nghèo. Nhưng đại đa số hộ nghèo cả nước sẽ chủ yếu là hộ đồng bào DTTS.

Làm gì để duy trì nhịp độ?

Có thể thấy, sau 10 năm, “chiếc áo” NTM đang có sự phân hóa khác nhau rất rõ rệt giữa các vùng miền, địa bàn. Trong khi nhiều địa phương đang “bứt tốc” xây dựng NTM nâng cao thì có nhiều khu vực lại đang chật vật hoàn thiện các tiêu chí của giai đoạn 2016-2020. 

Đáng chú ý, theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng NTM, những xã càng về sau mà chưa đạt NTM thì càng khó. Nhất là đối với các xã miền ở vùng khó khăn, có đông đồng bào DTTS sinh sống, để “về đích” NTM thì cần một nguồn lực lớn để đầu tư trên tất cả các lĩnh vực. 

Với thực tế như hiện nay, để các địa phương vùng DTTS và miền núi duy trì được nhịp độ xây dựng NTM đã rất khó khăn chứ đừng nói tới vấn đề tạo ra đột phá. Bởi nhịp độ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, ngoài nguồn tài chính đủ lớn, tập trung thì còn phải giải quyết căn cơ nhiều vấn đề xã hội, dân sinh khác như: đất ở, đất sản xuất, sinh kế bền vững; bảo tồn văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái,… 

Những “điểm nghẽn” trong xây dựng NTM ở vùng DTTS và miền núi đã được phân tích, mổ xẻ; các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng đã mạnh dạn đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù để tạo đột phá cho các địa phương khu vực này. Nhìn lại chặng đường 10 năm xây dựng NTM, có thể thấy nước ta đã “đi từ không đến có”. Hay như trong lĩnh vực giảm nghèo, từ chỗ tỷ lệ hộ nghèo rất cao, đến nay kết quả giảm nghèo của nước ta đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. 

Đó là nhờ hai mục tiêu này được xây dựng thành Chương trình mục tiêu quốc gia, từ đó huy động được nguồn lực, trí lực, nhân lực và cả tâm lực để thực hiện. Vì thế, đây là cơ sở thực tế nhất để các nhà hoạch định chính sách đồng thuận xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, triền khai ngay sau năm 2020 để hướng tới “đích” cả nước có 100% xã đạt chuẩn NTM. 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành