Xoá đói giảm nghèo ở Pác Nặm
Pác Nặm là 1 trong 60 huyện nghèo nhất trong cả nước. Nằm cách xa trung tâm tỉnh hơn 90 km về phía Bắc, đường giao thông đi lại khó khăn chủ yếu là dốc núi. Toàn huyện có tổng diện tích đất tự nhiên là 47.539 ha, nhưng mới chỉ có 4.408,39 ha đất nông nghiệp, chiếm 9,3%; trong đó đất trồng lúa cả năm là 1.882 ha, đất lâm nghiệp 19.509,26 ha. Huyện có 5.204 hộ với gần 30 nhân khẩu, gồm 7 dân tộc: Tày, Mông, Dao, Nùng, Sán Chỉ, Kinh, Hoa cùng sinh sống.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I đề ra đến năm 2010, phấn đấu giảm số hộ nghèo xuống dưới 40%, hàng năm giảm xuống dưới 8%. Và hướng đi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của huyện đã được các cấp chính quyền địa phương xác định, chọn nông nghiệp và phát triển chăn nuôi đại gia súc là mục tiêu hàng đầu trong công tác xoá đói giảm nghèo của huyện. Song đây quả là một thách thức không nhỏ đối với một địa phương có trên 90% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số như Pác Nặm, kinh tế thuần nông mang nặng tính tự cấp, tự túc và tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Nếu như những năm đầu mới tách lập huyện, tỉ lệ hộ đói nghèo của huyện là 72,77%, thì đến năm 2008 sau nhiều năm nỗ lực trong công tác xoá đói giảm nghèo ở địa phương, huyện Pác Nặm đã phấn đấu giảm tỉ lệ hộ đói nghèo xuống còn 50,92%, một thành tích đáng biểu dương trong công cuộc xoá đói giảm nghèo của huyện. Tuy nhiên, niềm vui ấy chưa kịp nhân đôi thì huyện Pác Nặm lạ phải đối phó với tình trạng tái nghèo đang có chiều hướng gia tăng do biến động của khí hậu thời tiết, thiên tai… liên tiếp xảy ra tại địa phương vào năm 2008 và đầu tháng 7/2009. Trận rét đậm, rét hại đầu năm 2008 đã làm chết 1.778 con trâu, bò của huyện; Vào thời vụ, hàng trăm ha lúa mùa của huyện bị mất trắng do mưa lũ, rét hại kéo dài. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến giá cả vật tư, phân bón tăng người dân không có điều kiện mua các loại giống có năng suất cao…Từ những nguyên nhân trên, đã kéo theo nhiều hệ lụy, đẩy mức nghèo ở huyện lên cao, nhất là số hộ rơi vào tình trạng tái nghèo trở lại, số hộ nghèo đang từ 2.717 của năm 2007, lên 3.026 hộ chiếm 56,15% (cuối năm 2008), trong đó số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 99%. Trong đó, đặc biệt các xã có tỉ lệ hộ nghèo tăng cao như: Xã Nghiên Loan , Nhạn Môn...
Anh Hứa Văn Thành, hộ nghèo đặc biệt ở thôn Khuổi Muồng xã Nghiên Loan, gia đình anh có 6 khẩu nhưng chỉ có 3 lao động chính, đất sản xuất lại thiếu nên hàng năm gia đình anh luôn nằm trong diện cứu đói. Năm vừa qua, cố gắng lắm anh mới dám vay ngân hàng 8 triệu để mua một con trâu về phục vụ cày kéo và nuôi sinh sản. Hết thời vụ, không có việc làm anh lại đi làm thuê, cứ như thế năm này qua năm khác, vòng luẩn quẩn đói nghèo cứ đeo bám lấy gia đình anh mà không thể thoát khỏi, không chỉ riêng anh Thành như vậy mà rất nhiều người trong xã cũng đều có hoàn cảnh tương tự.
Bước sang năm 2009, khi vụ xuân vừa kết thúc cũng là lúc chính quyền và nhân dân trong huyện đón nhận những tín hiệu vui mừng từ kết quả của toàn vụ mang lại. Tổng sản lượng lương thực có hạt của vụ xuân ước đạt 9.635 tấn/9.272 tấn, bằng 103,92% so với kế hoạch và bằng 106,65% so với vụ xuân của năm 2008(tăng 601 tấn). Với kết quả đó, cũng đồng nghĩa với việc xoá đói giảm nghèo của huyện đang dần lấy lại thế cân bằng và đi theo đúng “lộ trình” mục tiêu của Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra. Tuy nhiên, thành quả ấy chưa tận hưởng được bao lâu, thì huyện lại phải hứng chịu hậu quả của trận lũ quét lịch sử xảy ra đêm mồng 03 cho đến ngày 05/7, do có mưa nhiều trên diện rộng trong toàn huyện, gây thiệt hại lớn về người và tài sản ở nhiều địa phương trong huyện, hàng trăm ha lúa, ngô và hoa màu khác bị mất trắng và phá hỏng hoàn toàn; 14 ngôi nhà bị sập đổ, lũ cuốn trôi và 215 nhà khác bị ngập nước; huyện phải di dời trên 170 nhà dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở…Ước tính thiệt hại của huyện lên tới 106 tỉ đồng. Điều này cũng có nghĩa là huyện Pác Nặm lại phải tiếp tục đón nhận các con số về tỉ lệ hộ đói nghèo trong huyện lại tăng lên.
Xét về nguyên nhân khách quan là vậy, song tồn tại của hậu quả nghèo đói từ trước đến nay của huyện vẫn là những lý do: Thiếu đất sản xuất ổn định, thiếu thông tin kiến thức trong phát triển kinh tế, thiếu vốn. Nhưng đáng chú ý nhất, có lẽ là phần đa đồng bào lười lao động sản xuất và đặc biệt nhận thức về cách làm ăn của đồng bào còn rất hạn chế. Đó cũng là những nguyên nhân khiến cho mục tiêu tỉ lệ hộ đói nghèo của huyện giảm xuống dưới 40% không đạt.
Do là huyện có đến 100% xã đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo chiếm cao, cộng với địa bàn xa xôi, giao thông cách trở, trình độ dân trí thấp nên đã khiến cho công tác xoá đói, giảm nghèo ở huyện Pác Nặm gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Chính vì thế mục tiêu xoá, đói giảm nghèo luôn được các cấp chính quyền huyện đặt lên hàng đầu và coi đó là nhiệm vụ trong tâm trong việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn của huyện
Năm 2009, bên cạnh việc khắc phục những hậu quả do thiên tai gây ra, thì mục tiêu xoá đói giảm nghèo đối với huyện Pác Nặm vẫn khẩn thiết hơn bao gìơ hết. Đảng bộ, chính quyền huyện sẽ tiếp tục thực hiện theo như kế hoạch đã đề ra, phấn đấu giảm hộ nghèo từ 56,15% xuống còn 48,15%, bình quân giảm 8%/năm, tương ứng giảm tuyệt đối 431 hộ trở lên. Cùng với đó, huyện sẽ tập trung thực hiện vào các chỉ tiêu sau: Tạo điều kiện trên 95% số hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách, 100% hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 100% hộ nghèo thiếu đất sản xuất được hỗ trợ. Hỗ trợ nước sinh hoạt cho 75% hộ nghèo, 1.440 người nghèo được dạy nghề, 95% người nghèo trong độ tuổi lao động được hướng dẫn khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, nâng cao năng lực cho cán bộ về công tác xoá đói giảm nghèo, xoá xong 410 nhà tranh tre dột nát và khoảng 52 người được xuất khẩu lao động…
Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xoá đói giảm nghèo, theo đúng tinh thần của Nghị quyết của Đại hội Đảng huyện đã đề ra. Ông Nguyễn Văn Du, Bí Thư huyện Pác Nặm cho biết: Hiện nay huyện Pác Nặm đang tập mọi nguồn lực (người và vốn), đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy nhanh quá trình xoá đói, giảm nghèo. Trong đó, tập trung vào chuyển giao khoa học – kĩ thuật trong phát htriển kinh tế cho đồng bào; tìm mọi biện pháp để khai hoang đất trống, nhằm có thêm diện tích dất canh tác cho người dân; triển khai có hiệu quả các nguồn vốn xây dựng cơ bản, xoá nhà tranh tre, ngân sách khác, đặc biệt là nguôn hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ là điều kiện tốt nhất nhất, có tác động lớn đến công cuộc xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững tại Pác Nặm.
Tin tưởng rằng, với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự quyết tâm cao của các cấp các ngành ở địa phương, mục tiêu xoá đói giảm nghèo mà huyện Pác Nặm đề ra sẽ thu được kết quả tốt.
(Theo: Báo Bắc Kạn)
[TT: N.T.V]