Xuân Minh nỗ lực giảm nghèo
Dưới sự lãnh đạo năng động của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của nhân dân; sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ IX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, xã Xuân Minh (Quang Bình) đã có những bước tiến đáng kể trên tất cả các lĩnh vực. Nối tiếp thành quả trên, địa phương xác định tiếp tục tập trung vào các chương trình trọng tâm để giảm nghèo và phát triển bền vững.
Đến Xuân Minh vào những ngày này, hiện ra trước mắt tôi là bức tranh về một vùng quê với nhiều đổi thay; mang theo kỳ vọng về tương lai tươi sáng ở phía trước. Trong mùa Xuân mới, cuộc sống của người dân đang ngày thêm ấm no; hiện nay, toàn xã đã có 14/17 chỉ tiêu đạt từ 80% trở lên so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ IX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Tăng trưởng nông, lâm nghiệp đạt mức 37 tỷ đồng; thương mại, dịch vụ là 9,64 tỷ đồng; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt khoảng 12,9 tỷ đồng. Để có được những kết quả trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ xã đã thống nhất thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, ưu tiên cho những cây, con thế mạnh để tạo bước đột phá trong sản phẩm hàng hóa.
Nắm bắt tiềm năng, lợi thế của vùng chè Shan tuyết rộng lớn với tổng diện tích trên 544 ha, những năm qua, xã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng và giá trị loại cây này. Nhận thức rõ việc chăm sóc cây chè đảm bảo sạch, bà con đã không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bị cấm và thuốc trừ cỏ. Nhờ đi đúng hướng, hiện giá bán chè búp tươi bình quân đạt 11.000 đồng/kg, năng suất chè 45 tạ/ha, sản lượng mỗi năm đạt hơn 2 nghìn tấn. Với hương vị đậm đà, sản phẩm chè Shan tuyết đặc trưng của Xuân Minh được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Đây là cơ sở giúp địa phương nhân rộng diện tích, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân vào đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè.
Anh Phùng Sùn Chòi, Giám đốc Hợp tác xã Minh Quang, thôn Minh Sơn cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống làm chè đã gần 20 năm, nhận thấy diện tích chè của người dân không ngừng phát triển; năm 2016, tôi đã đầu tư máy móc, mở xưởng sản xuất. Vào mùa chính vụ, mỗi ngày, cơ sở thu mua từ 5 - 6 tấn chè búp tươi; giá thu mua tăng theo từng năm. Trước kia, chúng tôi chỉ làm ra sản phẩm thô, nhưng sau khi liên kết với doanh nghiệp thì tập trung vào sản xuất chè khô để xuất khẩu; chè khô có giá bán từ 130 - 500 nghìn đồng/kg; thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm. Tôi mong muốn các ngành chuyên môn tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ HTX tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất, giữ vững thương hiệu chè Shan tuyết Xuân Minh”.
Bên cạnh cây chè, xã Xuân Minh còn tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; xây dựng các gia trại nuôi trâu, khuyến khích nhân dân tăng diện tích trồng cỏ, chủ động thức ăn cho gia súc. Đồng thời, thực hiện các mô hình trồng dưa hấu, ngô, nuôi gà thả đồi, nuôi lợn đen, trồng rừng nhằm đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ dân. Tuy nhiên, Đảng bộ xã cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, chưa thật sự phát huy hết tiềm năng đất đai, nội lực trong dân để phát triển kinh tế tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương. “Với tinh thần quyết tâm cao, năm 2019, xã phấn đấu giảm 15/117 hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người nâng lên 24 triệu đồng/năm… Nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục lãnh, chỉ đạo, vận động nhân dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nhất là phát triển cây chè Shan tuyết chủ lực”. Đồng chí Phù Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Xuân Minh khẳng định thêm.
Báo Hà Giang