Xuất khẩu lao động cho huyện nghèo: Khó khăn đặc thù có chính sách đặc thù
Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/04/2009. Những chính sách đặc thù đã được đặt ra để giải quyết khó khăn cũng mang tính đặc thù của 61 huyện nghèo.
Qua khảo sát 61 huyện nghèo có tới 54% người trong độ tuổi lao động. Các khó khăn đặc thù của lao động thuộc 61 huyện nghèo này là điều kiện kinh tế và trình độ văn hóa thấp (60% lao động không có trình độ tiểu học trở xuống). Theo bà Hoàng Kim Ngọc, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội): "Cả hai đặc thù này đã tạo rào cản khiến người lao động ở đây khó có điều kiện đi lao động nước ngoài. Năm 2007, chỉ có 45/61 huyện từng có người đi lao động nước ngoài và năm 2007 con số này cũng chỉ tăng lên đến 50 huyện".
Hỗ trợ nhiều chưa từng có
Đó là chính sách ưu đãi về lãi suất. Người lao động thuộc các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay với lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi XKLĐ. Các đối tượng còn lại của các huyện nghèo được vay với lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng chính sách áp dụng cho đối tượng chính sách đi XKLĐ
Nhà nước còn hỗ trợ 100% học phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lai động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số. Các đối tượng khác thuộc 61 huyện nghèo vẫn được hỗ trợ 50% các phí trên. Tiền ăn, tiền ở, đồ dùng cá nhân thiết yếu cũng được hỗ trợ.
Điều quan trọng nhất, người lao động được hỗ trợ về kiến thức. Những đối tượng lao động thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa từ bậc tiểu học trở lên đã được lựa chọn để thanh gia XKLĐ nhưng trình độ văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu, cần phải bổ túc thêm về văn hóa sẽ được hỗ trợ nâng cao trình độ tối đa 12 tháng. Họ sẽ được hỗ trợ toàn bộ học phí, tài liệu, sách vở, tiền ăn và sinh hoạt phí trong thời gian học, tàu xe, trang bị cấp ban đầu như chế độ với học sinh trong các trường phổ thông dân tộc nội trú. Các trường dạy nghề đào tạo những đối tượng này cũng được hỗ trợ về cơ sở vật chất và vốn vay.
Vừa thi công vừa thiết kế
Chương trình còn một đặc thù nữa là "vừa thi công vừa thiết kế". Đây là một trong những quyết định của Chính phủ có hiệu lực ngay từ ngày ký. Do vậy, những công việc của dự án sẽ được triển khai ngay. Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có kế hoạch triển khai cụ thể tại một số huyện được tổ chức thực hiện thí điểm tại các tỉnh Yên Bái, Thanh Hóa, Quảng Ngãi... Trong đó việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện QĐ 71 ở cấp huyện nằm trong Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững cho 61 huyện nghèo.
Chính vì vừa thì công vừa thiết kế như vậy, trước mắt Cục Quản lý lao động nước ngoài sẽ đưa ra tiêu chí công khai để lựa chọn các doanh nghiệp đủ khả năng đưa diện lao động trên ra nước ngoài. Hiện nay có ba thị trường có thể đưa lao động từ các huyện nghèo sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Libi. Cục đã có kế hoạch triển khai việc đưa lao động sang thị trường này.
Theo Kiều Trinh
(Chuyên đề Dân tộc và Miền núi - TTXVN)
[TT: L.X.T]