Về khu tái định cư 100% hộ nghèo
Không nước sản xuất, thiếu đất trầm trọng, nhiều hộ đã phải bỏ khu tái định cư quay về nơi ở cũ hoặc phải đi làm thuê ở khắp nơi, đó là tình trạng vô cùng khó khăn của người dân 5 điểm tái định cư xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk).
Nơi người dân phải nhặt phân bò để sống
Chúng tôi về buôn Ea Nông B xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) vào những ngày cuối tháng 4/2017 nắng như thiêu như đốt. Trên đường đi vào buôn chỉ thấy một mầu đất bạc trắng, hiếm hoi lắm mới có vài cây bụi mọc lô nhô ven đường. Gữa trưa nắng hè, chúng tôi bắt gặp bà H’Ran lầm lũi đi lượm từng cục phân bò cho vào bao.
Dừng tay chốc lát, người phụ nữ Ê Đê đã gần 80 tuổi nói bằng giọng run run vì mệt và đói, bà bảo nhà bà vốn ở xã Hòa Đông nhưng thiếu đất ở, đất sản xuất nên được Nhà nước bố trí vào Vụ Bổn năm 2003. Nhà bà có 3 người con nhưng đã lớn nên phiêu dạt khắp nơi, chỉ còn 2 vợ chồng già sống với nhau.
Nói về việc kiếm kế sinh nhai, bà xót xa kể, khi vào vùng đất mới gia đình cũng được giao ít đất ruộng, đất rẫy, nhưng do đất bạc mầu lại không có nước tưới nên đành bỏ hoang nhiều năm nay.
Giờ đây, nghề chính của 2 vợ chồng là đi nhặt phân bò. Bà H’Ran cho biết thêm, nếu chịu khó nhặt nhặn thì 3 -5 ngày cũng được đầy một bao, mỗi bao được khoảng 50 ngàn đổi lấy gạo để ăn. Tuy nhiên không phải lúc nào 2 vợ chồng bà cũng may mắn nhặt đủ phân bò để bán. Hôm nào đau ốm, hay mưa gió không đi làm được thì 2 vợ chồng đành phải nhịn đói.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết việc người dân phải nhặt phân bò để kiếm sống và thường xuyên bị đứt bữa không còn là chuyện hiếm ở các thôn, buôn tái đinh cư xã Vụ Bổn. Bà H’Đèn, Phó buôn Ea Nông B cho biết, năm 2003, 75 hộ dân ở xã Hòa Đông thiếu đất ở, đất sản xuất được Nhà nước bố trí tái định cư ở Ea Nông B. Khi về đây sinh sống họ được hứa cho 5 sào đất ruộng và 1 ha đất rẫy, tuy nhiên trên thực tế mỗi hộ chỉ nhận được 2 sào ruộng và 3 sào rẫy.
Hiện nay, đang trong thời kỳ đói giáp hạt (tháng 3, tháng 4) nên nhiều hộ gia đình, nhất là các hộ gia đình chỉ có người già như nhà cụ H’Ran, Y’Doan…Thường xuyên bị đứt bữa.
Hoang tàn khu tái định cư
Cùng chung hoàn cảnh với người dân buôn Ea Nông B, chúng tôi đến ghi nhận ở buôn Ea Kal tình hình cũng không khá hơn là mấy. Buôn Ea Kal chỉ cách trung tâm hành chính xã chừng 300 m, buôn đã được kéo điện lưới quốc gia, những ngôi nhà mái bằng xây san sát như một “khu đô thị thu nhỏ”. Nhưng buôn Ea Kal lại rất vắng người. Những căn nhà cấp 4 phần nhiều khóa trái từ lâu, tường nhà đã rêu mốc để mặc cho nắng mưa tàn phá. Đi mãi chúng tôi mới gặp một vài phụ nữ của buôn ngồi tán ngẫu với nhau.
Bà H’Thuy Nie cho biết, buôn Ea Kal chủ yếu là người Ê Đê từ xã Ea Kênh chuyển về năm 2002. Khi mới nhận bàn giao nhà buôn có 66 hộ. Để nhận được căn nhà này, người dân phải đối ứng thêm 8 triệu đồng. Tuy nhiên khi nhận nhà, người dân tỏ ra vô cùng thất vọng. Nhà được xây dựng quá nhỏ chỉ chừng 27 m2, tường được xây bằng gạch và lợp mái tôn nên rất nóng, trong nhà lại không có công trình vệ sinh nên sinh hoạt rất bất tiện.
Bà H’Thuy cho biết thêm, sau khi bà chuyển đến ở nhà mới được 3 năm thì bắt đầu dột nát, gặp những cơn mưa đêm, mưa dột tứ tung không thể ngủ được. Lúc ấy cả nhà chỉ biết co ro vào một góc chờ tạnh mưa mới dám đi ngủ.
Chỗ ở đã vất vả là vậy, việc sản xuất còn thêm bội phần khó khăn. Mỗi hộ được bố trí 3 sào ruộng và 3 sào rẫy. Tuy nhiên để có thể canh tác, người dân phải đầu tư tiền thuê điện nước (1 sào mất khoảng 300 ngàn tiền điện, 300 tiền ngàn nước/vụ). Vì chi phí sản xuất cao mà đất lại bạc mầu, năng suất thấp nên hầu hết người dân đã bỏ hoang ruộng, rẫy. Cuộc sống nơi ở mới quá khó khăn, nên người dân phần nhiều đã quay về nơi ở cũ. Hiện nay ở EA Kal chỉ còn vẻn vẹn hơn 20 nhà thường xuyên sinh sống.
Còn tại buôn Ea Nông A người dân cũng phải phiêu dạt khắp nơi. Ông Y Loah Ayun, Trưởng buôn EA Nông A cho biết, buôn hiện nay có khoảng 75 hộ chuyển về sinh sống từ năm 2002. Nhưng số người thường xuyên có mặt tại buôn rất ít vì ở đây đất đai cằn cỗi không thể sản xuất được. Người dân thường xuyên phải đi làm thuê ở khắp nơi trong tỉnh Đăk Lắk, Đắk Nông…
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn cho biết, từ năm 2002 đến nay, xã Vụ Bổn được đầu tư xây dựng 5 khu tái định canh định cư, trong đó 4 buôn Ea Kal, Cư Knia, Ea Nông A, EA Nông B thuộc chương trình 132, 134; thôn Thanh Thủy thuộc dự án di dân ra khỏi vùng lòng hồ. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo tại 5 thôn, buôn này xấp xỉ 100%. Trong các cuộc họp, người dân thường xuyên phản ánh về cuộc sống khó khăn và chính quyền xã đã kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng chưa tìm được hướng giải quyết triệt để.