Bảo đảm vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội về quyết định chính sách dân tộc
Sáng 25/7, tại nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Đảng đoàn Quốc hội tổ chức Hội thảo Đề án “Thể chế hóa chủ trương, đường lối công tác dân tộc của Đảng, thực hiện Khoản 5, Điều 70, Hiến pháp năm 2013: Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước”.
Tham dự hội thảo có ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT); các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc: Nguyễn Lâm Thành, Cao Thị Xuân; cùng một số lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và các nhà khoa học.
Theo quan điểm của Đảng ta, vấn đề dân tộc là vấn đề mang tính chiến lược, lâu dài của cách mạng Việt Nam và nhất quán nguyên tắc cơ bản xuyên suốt về chính sách dân tộc là: Xây dựng quan hệ bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giữa các dân tộc. Hiến pháp năm 2013, tại Khoản 5, Điều 70 quy định “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cụ thể hóa các chính sách dân tộc (CSDT) thành các nội dung quy định trong các đạo luật, pháp lệnh, nghị quyết; ban hành theo thẩm quyền. Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa bằng các nghị định, nghị quyết, quyết định và văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện CSDT của Nhà nước.
Thực tiễn trong các giai đoạn vừa qua, việc thể chế hóa đã được quan tâm nhưng chưa đầy đủ, nhất là việc cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng vào trong các luật, các chương trình, chính sách cụ thể cho vùng dân tộc và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), cũng như cơ chế phối hợp, tổ chức thực hiện của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực công tác dân tộc.
Đảng ta luôn nhất quán chủ trương đẩy nhanh phát triển về mọi mặt đối với vùng DTTS và miền núi, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển so với mặt bằng chung của cả nước. Nhiệm vụ này càng trở lên cấp thiết hơn trong bối cảnh quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp 2013 cũng đặt ra yêu cầu đổi mới toàn diện và sâu sắc hơn nữa về xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; các chính sách ưu tiên phát triển vùng DTTS; bảo đảm quyền con người và các quyền cơ bản của công dân, trong đó có đồng bào DTTS.
Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp về CSDT, Quốc hội đã thể chế hóa thành các quy định trong các văn bản theo thẩm quyền (bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị quyết); ban hành các nghị quyết về CSDT và liên quan đến công tác dân tộc làm căn cứ để cơ quan hành chính nhà nước xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện. Trong thời gian qua, việc thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng chưa toàn diện, một số chủ trương, đường lối chưa được thể hiện hoặc thể hiện chưa đầy đủ; Một số nội dung được thể chế hóa liên quan đến CSDT trong các dự án luật còn mang tính khai quát, định hướng chung, khó cụ thể hóa ở các văn bản hướng dẫn; Các quyết định của Quốc hội về các chương trình, chính sách quan trọng nhưng thiếu thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình dân tộc, nhất là vùng DTTS và miền núi. Do đó, mặc dù Quốc hội đã ban hành nhiều luật, nghị quyết có nội dung liên quan đến CSDT nhưng Quốc hội mới chỉ quyết định về nội dung, nhiệm vụ, giải pháp; chưa quyết định được nguồn lực thực hiện. Trên thực thế, các CSDT đang thực hiện, hầu hết do Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện. Đây là vấn đề cần được xem xét, tổ chức thực hiện đúng để bảo đảm vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội về quyết định CSDT theo đúng quy định của Hiến pháp.
Theo dự thảo, Đề án xác định nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cơ bản từ nay đến năm 2025 là: Đánh giá việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến dân tộc và công tác dân tộc và Thực hiện Khoản 5, Điều 70, Hiến pháp năm 2013 “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước”. Cụ thể gồm: Quốc hội quyết định CSDT của Nhà nước thông qua thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về lĩnh vực dân tộc và công tác dân tộc vào hệ thống các văn bản luật, pháp lệnh; Quốc hội quyết định và công bố danh mục tộc danh, thành phần các dân tộc ở Việt Nam; tiêu chí phân định vùng đặc biệt khó khăn; Quốc hội quyết định các CSDT cơ bản của Nhà nước và một số chương trình, dự án chính sách lớn liên quan đến DTTS và vùng DTTS; Quốc hội quyết định các chỉ tiêu phát triển cơ bản của vùng DTTS và cụ thể hóa các chỉ tiêu trong kế hoạch 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm của đất nước; Quốc hội quyết định ngân sách thực hiện CSDT và giám sát việc thực hiện CSDT…
Phát biểu ý kiến trao đổi tại hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Việc xây dựng và triển khai Đề án là việc làm rất thiết thực để thực hiện theo Khoản 5, Điều 70, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc”. Đề án sẽ là căn cứ pháp lý rất quan trọng, góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn về CSDT. Đề nghị cần làm rõ và sâu sắc thêm khái niệm CSDT, từ đó mới làm rõ được các nội dung Quốc hội cần triển khai về CSDT.
Văn bản pháp luật chuyên ngành có tính pháp lý cao nhất hiện nay là Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc. Công tác dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó, Quốc hội là cơ quan quyết định tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi; danh mục thành phần dân tộc Việt Nam và các CSDT theo lĩnh vực… Hiện nay, CSDT thể hiện ở 3 nhóm: theo vùng, theo lĩnh vực, theo nhóm dân tộc và tộc người. Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT đề nghị CSDT tiếp cận theo nhóm dân tộc rất ít người và nhóm còn nhiều khó khăn (tỉ lệ hộ nghèo, tỉ lệ người tốt nghiệp THPT và đại học). Thời gian sắp tới, đề nghị Quốc hội xem xét, nghiên cứu ban hành 3 nghị quyết quan trọng: Tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi; chính sách về giáo dục, y tế, dân số và thi tuyển công chức, viên chức; đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận để góp ý cho dự thảo Đề án vào một số nội dung như: bố cục, lộ trình thực hiện của Đề án; đổi mới tư duy, nâng cao năng lực kỹ năng lập pháp, quy trình xây dựng chính sách; sự phối hợp trong xây dựng và triển khai CSDT; đánh giá sâu hơn về công tác rà soát, tránh trùng lặp các cơ chế chính sách; công tác giám sát, bố trí nguồn lực thực hiện CSDT; cần xác định CSDT phải phù hợp với từng vùng, từng dân tộc và gắn chặt chẽ với chính sách quốc phòng, an ninh; giao trách nhiệm cụ thể trong triển khai chính sách; làm rõ thêm các kiến nghị, đề xuất…
Kết luận hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị cần đánh giá CSDT một cách toàn diện, trên từng lĩnh vực và các nhóm chính sách cụ thể. Để từ đó làm rõ khái niệm CSDT và bảo đảm vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội về quyết định CSDT. Đề nghị Ban Soạn thảo Đề án nghiên cứu tiếp thu các ý kiến thảo luận, bám sát nội hàm và mục đích, yêu cầu để hoàn thiện Đề án.