Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến giải trình trước Hội đồng Dân tộc Quốc hội về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày 30/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã có phiên giải trình trước Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2018.
Phiên giải trình nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, cũng như nguyên nhân, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) giai đoạn 2012-2018. Trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp giải quyết triệt để tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản ĐBKK, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo vùng DTTS, miền núi trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn.
Phiên họp giải trình do đồng chí Hà Ngọc Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì. Tham dự có các đồng chí lãnh đạo thuộc Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đại diện một số cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan tham gia giải trình.
Báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS và hộ nghèo ở xã, thôn, bản ĐBKK giai đoạn 2012-2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết: Thực hiện các Quyết định 755/QĐ-TTg, 29/2013/QĐ-TTg, 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã ban hành 03 Thông tư hướng dẫn, cụ thể hóa các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ban hành hơn 30 văn bản trả lời các vướng mắc của địa phương; phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ phê duyệt vốn thực hiện cho cả giai đoạn và hằng năm; tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc; tổ chức các hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, tổng kết việc thực hiện chính sách.
Kết quả cụ thể của giai đoạn 2012-2014 cho thấy, về đất ở đã hỗ trợ được 10.156 hộ. Đối với nơi còn quỹ đất sản xuất, việc thực hiện Quyết định 755 đã hỗ trợ được 15.732 hộ với 2.729 ha; thực hiện Quyết định 29 đã hỗ trợ 2.139 hộ chuộc đất sản xuất. Đối với nơi không còn quỹ đất sản xuất, việc thực hiện Quyết định 755 đã hỗ trợ cho 45.522 hộ chuyển đổi nghề và mua sắm máy móc công cụ sản xuất, hỗ trợ chăn nuôi cho 6.607 hộ; việc thực hiện Quyết định 29 đã hỗ trợ 8.755 hộ vay vốn chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất và hỗ trợ 1.501 người học nghề. Trong hỗ trợ nước sinh hoạt, đã xây dựng được 476 công trình nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ nước phân tán cho 249.251 hộ.
Về kinh phí thực hiện các chính sách giai đoạn 2012-2014, Quyết định 755 được cấp 2.127,6 tỷ đồng (đạt 18,1% kế hoạch); Quyết định 29 đã cấp đủ 100%.
Giai đoạn 2016-2018, thực hiện theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020. Nội dung đề án tập trung thực hiện hỗ trợ đất sản xuất cho 68.936 hộ, chuyển đổi nghề cho 234.642 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt cho 313.256 hộ, hỗ trợ 96.256 hộ có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, sắp xếp ổn định dân cư cho 12.443 hộ du canh du cư chưa ổn định cuộc sống.
Sau hơn 3 năm triển khai Quyết định 2085, đến nay ngân sách nhà nước mới bố trí 1.072,391 tỷ đồng (trong khi nhu cầu vốn thực hiện là 4.803,42 tỷ đồng). Các địa phương đã triển khai cho vay được 20.019 hộ với số kinh phí cho vay là 832,265 tỷ đồng (trung bình 42 triệu đồng/hộ).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, mặc dù đã có nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, nhưng do nguồn lực rất hạn chế, nên hầu hết các mục tiêu không hoàn thành. Đến nay vẫn còn hơn 24.500 hộ DTTS di cự tự phát chưa được sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; 122.488 hộ còn ở nhà tạm bợ, dột nát; 58.123 hộ thiếu đất ở; 303.578 hộ thiếu đất sản xuất; 313.219 hộ thiếu nước sinh hoạt; 96.256 hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất.
Để giải quyết những tồn tại và hạn chế trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đề xuất cần có giải pháp căn cơ, có tính tổng hợp nhất, đó là tích hợp các chính sách trên thành một dự án thành phần “Quy hoạch, sắp xếp dân cư, hỗ trợ sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt và công trình vệ sinh” nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi. Để làm được điều đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đề nghị các cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, phê duyệt Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS đã được Chính phủ trình Quốc hội để thực hiện từ năm 2021; đề nghị Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát quá trình thực hiện chính sách; đề nghị các bộ, ngành liên quan tăng cường phối hợp với UBDT trong việc xây dựng, phân bổ nguồn lực, kiểm tra thực thi chính sách; đề nghị các tỉnh vùng DTTS và miền núi chủ động, quyết liệt hơn trong tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách.
Tại phiên họp, đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến về các quan điểm và giải pháp khắc phục tình trạng nhiều tỉnh viết sai tên một số DTTS; trách nhiệm của UBDT trong việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt trong đồng bào DTTS đang có chiều hướng gia tăng, giải pháp khắc phục những hạn chế trong thời gian tới...
Trả lời về câu hỏi viết sai tên gọi của một số DTTS, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết vừa qua UBDT đã nhận được văn bản của 20 tỉnh phản ánh về việc viết sai tên. Trong đó có 3 nhóm chính gồm: Dân tộc Khmer, dân tộc Mông, dân tộc Cao Lan và Sán Chỉ được xếp vào nhóm dân tộc Pà Thẻn, Pa Cô, Bru Vân Kiều. Những tên gọi này ban hành kèm theo Quyết định số 121 của Tổng cục Thống kê năm 1978. Qua ý kiến các đại biểu và qua nghiên cứu các đề tài khoa học cấp quốc gia của UBDT, thời gian qua UBDT đã có tờ trình với Chính phủ, qua đó Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tổ chức một cuộc họp liên ngành để xem xét giải quyết nội dung này và đã có kết luận ban đầu. Với thẩm quyền ban hành danh mục tên gọi các dân tộc là của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến văn bản sẽ sớm được ban hành để đảm bảo sự đồng thuận, hiệu lực hiệu quả của văn bản.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của đồng bào DTTS trong phạm vi cả nước có chiều hướng gia tăng. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nêu rõ: Theo thống kê, thiếu đất ở vào năm 2012 là 40.027 hộ (đã giải quyết được 14.125 hộ), đến thời điểm 2018 là 58.123 hộ, tăng 18.096 hộ; đất sản xuất thời điểm 2012 là 267.130 hộ (đã giải quyết 78.775 hộ), đến 2018 là 303.578 hộ, tăng 36.448 hộ; nước sinh hoạt 588.360 hộ năm 2012 (giải quyết được 285.674 hộ), tăng lên 313.219 hộ, giảm được 275.141 hộ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm thẳng thắn nhận trách nhiệm trước những kết quả trên, đồng thời phân tích rằng đây là việc làm rất khó, một mình Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT không thể làm được, như trong Nghị quyết 24 đã nêu: “Công tác dân tộc, chính sách dân tộc thuộc về trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”. Với lĩnh vực được Quốc hội, Chính phủ giao, Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho rằng bản thân có một khuyết điểm, đó là chưa thuyết phục được các bộ, ban ngành, địa phương, các cơ quan có trách nhiệm để thu xếp được nguồn vốn thực hiện các chính sách dân tộc sau khi đã giao. Chính vì vậy, trong chính sách dân tộc sắp tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị cần được ấn định một khoản ngân sách, nguồn ngân sách đó được theo dõi, giám sát và đánh giá.
Chia sẻ về giải pháp khắc phục những hạn chế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh tới 3 giải pháp chính: Giải pháp thứ nhất: Trước mắt, đã bố trí vốn để thực hiện các Quyết định 2085, 2086 vào năm 2020; Giải pháp thứ hai: trong giai đoạn 2021-2025, phải thay đổi cách tiếp cận về giải quyết hỗ trợ đất ở đất sản xuất, nước sinh hoạt bằng cách tiếp cận mới là tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS, việc hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt chỉ là một dự án hợp phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi; Giải pháp thứ ba: Nhận thức giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt chỉ là một trong rất nhiều việc phải giải quyết trong các chủ trương có tính nguyên tắc của Đảng, Nhà nước là thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các dân tộc, giữa các vùng miền. Để giải quyết điều đó cần ban hành một Chương trình mục tiêu quốc gia có cơ quan chủ trì, phối hợp, có cơ quan kiểm tra, đánh giá, giám sát...
Đối với câu hỏi chất vấn liên quan đến nội dung: Báo cáo thì thiếu vốn, thiếu kinh phí, nhưng có những nơi không dùng hết kinh phí và trách nhiệm thuộc về ai? Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết: Đối với đất ở, đất sản xuất, thực tế việc chi phí cho giải quyết mặt bằng cấp cho người dân là rất lớn so với nguồn vốn được cấp, trong khi ngân sách các tỉnh còn hạn chế, vì vậy từ việc sử dụng ngân sách địa phương đề xuất chuyển về sử dụng ngân sách Trung ương. Đối với hỗ trợ đất sản xuất, định mức hỗ trợ cho mỗi hộ dân từ nguồn ngân sách nhà nước và Ngân hàng Chính sách không đủ để giải quyết nên không thể thực hiện được. Việc hỗ trợ nước sinh hoạt cũng gặp tình trạng tương tự như vậy.
Bên cạnh việc giải trình của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến, đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS và hộ nghèo ở xã, thôn, bản ĐBKK giai đoạn 2012 - 2018 cũng đã có các ý kiến báo cáo, giải trình làm rõ các câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội đặt ra.
Kết luận phiên họp chất vấn, đồng chí Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao các nội dung giải trình của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cũng như lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS và hộ nghèo ở xã, thôn, bản ĐBKK giai đoạn 2012 - 2018. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ghi nhận, biểu dương tinh thần trách nhiệm và những cố gắng, những đóng góp tích cực hiệu quả của các vị đại biểu Quốc hội là thành viên Hội đồng Dân tộc và thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện cho các Ủy ban Quốc hội và lãnh đạo các bộ, ngành.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, phiên giải trình thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các DTTS và miền núi, khẳng định những kết quả quan trọng trong việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS những năm qua. Phiên giải trình cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế yếu kém, nguyên nhân chính trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo trong những năm qua, đồng thời đề xuất các giải pháp thiết thực để triển khai trong thời gian tới.