Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến thăm và tặng quà đồng bào dân tộc xã đặc biệt khó khăn Hà Lâu, huyện Tiên Yên
Trong các ngày 3 - 4/8/2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đã tham dự khai mạc Tuần văn hóa thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc, dự hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh). Thăm và tặng quà đồng bào dân tộc xã đặc biệt khó khăn Hà Lâu.
Tại đây, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đã tham quan gian trưng bày sản phẩm, các hoạt động văn hóa, giao lưu kinh tế, chợ tổng hợp của đồng bào dân tộc trong vùng, Đặc biệt, trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đến thăm và làm việc với xã Hà Lâu- xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Tiên Yên và tặng 40 xuất quà cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn của xã.
Báo cáo nhanh với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến tại buổi làm việc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hà Lâu Lý Văn Diểng cho biết: Hà Lâu là xã 135 duy nhất của huyện Tiên Yên. Xã hiện có 510 hộ dân, với 2.458 nhân khẩu, gồm 2 dân tộc chính (Dao 70%, Tày chiếm 30%). Diện tích tự nhiên rộng, địa hình chia cắt, dân cư sống thưa thớt và rải rác trên sườn đồi, thu nhập bình quân 8 triệu đồng/ năm, tỷ lệ hộ nghèo (cuối 2016): 131 hộ, bằng 26,33%; số hộ cận nghèo : 133 hộ, bằng 25,94 % . Hiện nay xã còn 8/12 thôn đặc biệt khó khăn.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, UBDT và chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, Hà Lâu đang nỗ lực phát huy lợi thế đất rộng, có nhiều cách sáng tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung đẩy mạnh phát triển chương trình 1 con (gà Tiên Yên) và 1 cây (cây dược liệu).
Với quyết tâm thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vào năm 2019, Hà Lâu đang áp dụng nhiều mô hình sản xuất, đặc biệt thu hút đầu tư của các doanh nghiệp liên kết với nhân dân để sản xuất. Ví như: mô hình trồng chanh đào, mô hình mời gọi các DN vào thuê đất của dân đầu tư trồng cây ớt làm dược liệu công nghệ cao, mô hình phát triển đàn gà Tiên Yên. Đi liền với sản xuất xã cũng luôn quan tâm tìm kiếm đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Từ mô hình này, việc giảm nghèo đã đạt kết quả rõ rệt, năm 2017 có khả năng 40- 50 hộ thoát nghèo, vượt yêu đặt ra cầu tỉnh …
Tại buổi làm việc, ông Diểng cũng nêu một số kiến nghị: Đảng Nhà nước tiếp tục quan tâm hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, vay vốn phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách với cán bộ và nguồn cán bộ dân tộc thiểu số; chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số; chính sách về hỗ trợ phát triển, gìn giữ đặc sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết phát triển tại vùng đồng bào dân tộc miền núi; Tiếp tục huy động nguồn xã hội hóa để giúp đỡ các thôn, xã vùng dân tộc, miền núi khó khăn…
Phát biểu tại buổi gặp gỡ cán bộ và đại diện bà con dân tộc nghèo của xã, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến bày tỏ sự phấn khởi trước những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và bà con trong xã đã đạt được. Bộ trưởng cho rằng, Hà Lâu đã nắm bắt được 3 thế mạnh chính của mình là đất rộng, màu mỡ, có sức lao động lớn để đầu tư phát triển sản xuất đúng hướng đồng thời lại được tỉnh Quảng Ninh có chính sách hỗ trợ thỏa đáng. Tuy nhiên, theo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến, Hà Lâu cần nghiên cứu chọn thêm một số mô hình trồng cây và nuôi con gì đó, để làm phong phú thêm mô hình phát triển kinh tế, phát huy được hết những thế mạnh sẵn có của địa phương.
“Tôi rất mong muốn bà con dân tộc Hà Lâu thực hiện 3 điều. Thứ nhất, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, thì đoàn kết thương yêu nhau là số một. Thứ hai, dù khó khăn đến đâu cũng cho các cháu đi học, không được bỏ học. Thứ ba, Đảng, Nhà nước quan tâm vừa cho không cũng có, hỗ trợ cũng có, nhưng không thể cho mãi, vì vậy phải cố gắng vươn lên trong làm ăn. Theo tôi bà con cần có 2 cái cố. Những hộ đã biết cách làm ăn rồi, thì cố làm giàu, để hỗ trợ cho người nghèo, còn những người còn nghèo thì phải cố lao động sản xuất và tiết kiệm, để thoát nghèo”- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến mong lãnh đạo xã Hà Lâu thực hiện quyết tâm cao trong chỉ đạo, lãnh đạo nhân dân địa phương phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống để sớm thoát khỏi diện 135 thật sự bền vững.
PV