Các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng DTTS và miền núi của tỉnh Thái Nguyên đã phát huy được hiệu quả
Ngày 24/4/2019, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW đã làm việc tại tỉnh Thái Nguyên. Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT), Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương kiểm tra Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW làm Trưởng đoàn. Tham gia Đoàn công tác có Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch-Đầu tư.
Đoàn đã đến thăm, tặng quà Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (DTNT) Nguyễn Bỉnh Khiêm tại huyện Võ Nhai. Nói chuyện với thầy và trò nhà trường, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến đã gửi lời thăm hỏi ân cần, những lời chúc tốt đẹp nhất đến các thầy cô giáo, các em học sinh và mong muốn thầy và trò nhà trường khắc phục khó khăn, thi đua dạy tốt học tốt. Thay mặt Đoàn công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đã tặng 50 suất quà cho 50 em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; 25 suất quà cho 25 hộ dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Dịp này, cá nhân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đã tặng Trường Phổ thông DTNT Nguyễn Bỉnh Khiêm 30 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra đã có buổi làm việc với Huyện ủy Võ Nhai về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW. Báo cáo tại buổi làm việc, ông Dương Văn Tiến, Bí thư huyện ủy Võ Nhai cho biết: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về công tác dân tộc, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về tư tưởng và hành động. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp được đổi mới bằng nhiều việc làm thiết thực, triển khai đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả các chính sách dân tộc. Nhờ đó, kinh tế-xã hội (KT-XH) của huyện có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện tăng từ 2,94 triệu đồng (năm 2003) lên 24 triệu đồng (năm 2018). Từ các nguồn vốn Trung ương, huyện đã xây dựng mới và nâng cấp trên 380km đường giao thông nông thôn, xây dựng 4 trung tâm cụm xã. Hiện nay, tỉ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,48%; bình quân mỗi năm giảm được gần 700 hộ nghèo. Tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 52,5% (năm 2003) xuống còn 18,56% (năm 2018). Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết đất ở, đất sản xuất, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân… được quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố.
Về thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, theo báo cáo của Huyện ủy Võ Nhai: Sau 25 năm thực hiện, đời sống KT-XH trong vùng đồng bào Mông đã có sự chuyển biến rõ rệt. Các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào Mông được triển khai đầy đủ, đúng mục tiêu, phát huy hiệu quả. Góp phần quan trọng củng cố niềm tin của đồng bào Mông đối với Đảng và Nhà nước.
Nhân dịp này, thay mặt Đoàn công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến đã trao tặng 05 phần quà cho 05 đại biểu là người có uy tín trong đồng bào DTTS xã Cúc Đường (huyện Võ Nhai).
* Chiều cùng ngày, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương đã có buổi làm việc với Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên. Về phía tỉnh Thái Nguyên có ông Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên cùng đại diện các sở, ngành của tỉnh.
Đoàn kiểm tra đã nghe ông Phạm Hoàng Sơn, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Thái Nguyên trình bày báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa IX) về công tác dân tộc và báo cáo Tổng kết 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư (khóa VII) về một số công tác ở vùng dân tộc Mông.
Báo cáo cho thấy: Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác dân tộc được nâng lên. Công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng của tỉnh. Các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng DTTS và miền núi đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng. Hệ thống chính sách dân tộc được thực hiện đầy đủ, kịp thời, chuyển dần từ chính sách hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ cộng đồng, nhóm hộ, hỗ trợ người dân tự vươn lên thoát nghèo. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư; tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa được nâng lên. Diện mạo vùng DTTS thay đổi căn bản theo hướng tích cực, số xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) giảm dần theo từng giai đoạn. Hệ thống chính trị vùng DTTS được quan tâm xây dựng và củng cố, hoạt động có hiệu quả. Năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ vùng DTTS ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trong giai đoạn 2003-2018, đã có hàng nghìn tỉ đồng được đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Thái Nguyên theo các Chương trình 134, 135, 102, Đề án 2037… Nguồn vốn này đã hỗ trợ hàng chục nghìn hộ đồng bào DTTS có đất ở, đất sản xuất, nước sạch, nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, có kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn, miền núi, vùng ĐBKK đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên không còn hộ đói, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm nhanh. Năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo của 124 xã, thị trấn vùng DTTS giảm còn 9,16% (giảm 3,89% so với năm 2017). Tỉ lệ hộ nghèo ở 36 xã ĐBKK giảm còn 20,86% (giảm 8,94%% so với năm 2017). Tỉ lệ hộ nghèo ở 63 xã ATK giảm còn 14,8% (giảm 6,28% so với năm 2017). Đã có 61/114 xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn Nông thôn mới, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trên 60% đường trục xóm được cứng hóa, 99,67% hộ dân vùng núi có điện lưới phục vụ sinh hoạt, 91% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Về việc thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, sau 25 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 45 gắn với thực hiện Kết luận số 64-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhận thức về công tác dân tộc, công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc Mông được nâng lên. Các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc Mông đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào Mông. Đặc biệt, với việc thực hiện Đề án 2037, tỉnh đã khẳng định được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị đối với các xóm bản ĐBKK có nhiều đồng bào Mông sinh sống; khẳng định tính ưu việt của chế độ ta, củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền.
Trong không khí cởi mở, thẳng thắn, các thành viên trong Đoàn kiểm tra và tỉnh Thái Nguyên đã có những trao đổi, làm rõ một số nội dung trong việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là giải pháp cho các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, chế độ, chính sách cho học sinh DTTS, cấp dưỡng các trường DTNT; việc cấp báo cho người có uy tín; kinh phí hỗ trợ cho y tế thôn bản; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho vùng DTTS và miền núi, giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…
Tại buổi làm việc, tỉnh Thái Nguyên có nhiều kiến nghị với Trung ương như: cần tiếp tục quan tâm, ban hành các chính sách đặc thù, hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển KT-XH đối với vùng đồng bào Mông. Cân đối, bố trí đủ nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH vùng DTTS và vùng đồng bào dân tộc Mông; Tiếp tục quan tâm, đầu tư thực hiện các chính sách phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực; ưu tiên tuyển dụng người DTTS vào làm việc trong hệ thống chính trị…
Kết luận buổi làm việc, thay mặt Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến đánh giá cao những kết quả tỉnh Thái Nguyên đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 24-CT/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến khẳng định: Tỉnh Thái Nguyên đã nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết 24 và Chỉ thị 45 với quyết tâm chính trị rất cao. Quá trình thực hiện nghị quyết có nhiều sáng tạo. Kết quả đạt được toàn diện, vững chắc, rất đáng ghi nhận. Tỉnh đã ban hành riêng được 16 chính sách cho vùng DTTS là điều rất đáng mừng. Bộ trưởng, Chủ nhiệm lưu ý tỉnh Thái Nguyên cần chú trọng việc tạo sinh kế cho đồng bào DTTS, xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết: Trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất của địa phương, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương trong việc tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW và Chỉ thị 45-CT/TW. Một số kiến nghị, đề xuất của địa phương về phát triển KT-XH cần tổng hợp, gửi cho Ban soạn thảo Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS, vùng có điều kiện KT-XH ĐBKK giai đoạn 2021-2025 để làm cơ sở xây dựng Đề án.