Cần có nghị quyết chuyên đề nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH); đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, nhiều ĐBQH cho rằng rất cần một nghị quyết căn cơ về phát triển vùng đồng bào dân tộc, miền núi, và không nên tiếp tục hỗ trợ theo kiểu... cho không.
Đa số các đại biểu QH, đặc biệt
đại biểu người DTTS hoặc là cán bộ vùng đồng bào dân tộc, miền núi đều khẳng định
những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ
phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Đời sống đồng bào DTTS, miền
núi đã có bước phát triển nhiều mặt về kinh tế, văn hoá, trình độ lao động sản
xuất, giáo dục…
Tuy nhiên, khó khăn của đồng bào
là hiện hữu và còn không ít vấn đề cần được tiếp tục quan tâm giải quyết. Vẫn
còn đó vô vàn khó khăn, so với mặt bằng chung cả nước. Đại biểu (ĐB) Đoàn Văn
Việt (Lâm Đồng) cung cấp thông tin, đến cuối năm 2017 tỉ lệ hộ nghèo của cả nước
là 6,7%, ước tính đến cuối năm 2018 thì con số này sẽ giảm xuống còn dưới 6%.
Trong đó còn gần 865.000 hộ nghèo, người DTTS chiếm tới 52,66% tổng số hộ nghèo
cả nước. Riêng khu vực Tây Nguyên tỉ lệ hộ nghèo khoảng 12,86%, như vậy có đến
175.772 hộ, trong đó tỉ lệ hộ nghèo DTTS chiếm đến hơn 73% trên tổng số hộ
nghèo. Đáng lưu ý là tỉ lệ tái nghèo vẫn còn cao, tỉ lệ hộ nghèo phát sinh gần
bằng 23%.
ĐB Lò Thị Luyến (Điện Biên) nói:
“Tổng thể bức tranh chung của đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi giờ đây
đã có bước tiến bộ, phát triển. Nhiều chính sách đã được ban hành để hỗ trợ đồng
bào dân tộc, miền núi, cụ thể, đã có 118 chính sách, trong đó có 54 chính sách
trực tiếp, 64 chính sách gián tiếp, góp phần tạo điều kiện, thúc đẩy kinh tế,
xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi khởi sắc”.
Tuy nhiên, hệ thống chính sách
dân tộc hiện nay cũng bộc lộ nhiều hạn chế, như: chưa thật sự đồng bộ, thiếu kết
nối, vẫn mang tính nhiệm kỳ, ngắn hạn, nội dung còn tản mạn ở nhiều văn bản
khác nhau, cho nên việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả chưa cao. Việc xử lý
chuyển tiếp chậm, lúng túng dẫn đến gián đoạn trong thực hiện chính sách. Công
tác phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách
chưa chặt chẽ. Một số chính sách được xây dựng còn mang tính chủ quan, chưa sát
với đặc điểm vùng miền, văn hóa đặc thù của đồng bào DTTS, phát triển thiếu bền
vững. Cơ chế phân bổ vốn, quản lý, thanh quyết toán các chương trình, chính
sách còn nhiều bất cập, khó lồng ghép các nguồn vốn nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH
vùng DTTS và miền núi. Chưa có cơ chế đặc thù để phát huy được nội lực người
dân, người nghèo trong quá trình hội nhập. Nguồn lực bố trí cho các chính sách
dân tộc chưa thể hiện rõ được tính ưu tiên theo đúng mục tiêu đề ra, phải kéo
dài thời gian thực hiện. Đại biểu QH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) và một số đại
biểu nêu thực trạng, có những chính sách giúp đồng bào DTTS và MN thoát nghèo
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa được triển
khai… do không tìm được nguồn lực.
Còn ĐB Triệu Tài Vinh (Hà Giang)
nói: “Về hỗ trợ hộ nghèo hiện nay, chúng ta thường nói cho cần câu hay cho con
cá. Thực tế chúng ta đã cho nhiều cần câu rồi, vấn đề hiện nay là có cần câu
thì câu ở đâu? Như vậy, chúng ta phải tạo ra những môi trường tốt hơn, đó là những
ao để nông dân có thể câu được”. Lâu nay chúng ta hỗ trợ cho không người dân
quá lâu, nó đã trở thành chế độ, tính ỷ lại như một tập quán và đã đến lúc tập
quán này phải thay đổi.
Từ các phân tích trên, các đại
biểu cho rằng, Quốc hội, Chính phủ xem xét và có những giải pháp tổ chức thực
hiện chính sách phù hợp, làm sao để khuyến khích được người nghèo cũng vươn
lên, người khá giả, người giàu được khích lệ. Trước hết, cần có lộ trình bỏ dần
những chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không người dân, chuyển dần sang thực hiện
các chính sách hỗ trợ có điều kiện. Ví dụ, cho vay tín dụng ưu đãi với lãi suất
thấp, vay không lãi, hỗ trợ khởi nghiệp v.v...
Đa số đại biểu phát biểu về phát
triển đồng bào DTTS, miền núi đều thống nhất đề xuất của Hội đồng Dân tộc, là đề
nghị Quốc hội có nghị quyết về chương trình mục tiêu mang tính tổng thể, toàn
diện, lâu dài để phát triển KT-XH vùng DTTS, miền núi giai đoạn tới.
PV
(t/h)