Chính phủ có nhiều nỗ lực phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Trong 3 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực để triển khai các nghị quyết của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS, MN).
Báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, MN (giai đoạn 2016-2018) được UBTVQH xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 28 diễn ra vào ngày 15/10.
Báo cáo của Chính phủ trình phiên họp cho biết, trong giai đoạn 2016-2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã dành sự quan tâm đặc biệt, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách dân tộc, hỗ trợ phát triển toàn diện vùng DTTS, MN.
Cụ thể, đã ban hành khá đầy đủ hệ thống chính sách dân tộc, bao phủ toàn diện các lĩnh vực, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Thực hiện phân cấp triệt để cho các địa phương tổ chức thực hiện chính sách dân tộc; các bộ, ngành ở Trung ương chủ yếu nghiên cứu, tham mưu ban hành chính sách, hướng dẫn kiểm tra quá trình thực hiện, tổng hợp đánh giá kết quả và tháo gỡ khó khăn, bất cập đặt ra trong thực tiễn; giảm các khâu trung gian, đã tích hợp một số chính sách, khắc phục một bước tình trạng giàn trải, chồng chéo về chính sách.
Sau quá trình đầu tư hỗ trợ phát triển toàn diện vùng DTTS, MN đã đạt được kết quả quan trọng. Các tỉnh vùng DTTS, MN có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá cao.
Bình quân các tỉnh vùng Tây Bắc tăng 8,4%, các tỉnh vùng Tây nguyên tăng 8,1%, các tỉnh vùng Tây Nam Bộ tăng 7,3%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ nhưng chủ yếu vẫn là làm nông lâm nghiệp (tỷ trọng nông lâm nghiệp chiếm trên 50%).
Bước đầu hình thành vùng sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa: Cà phê, chè, cao su, tiêu, cây dược liệu, cây lấy gỗ và sản phẩm ngoài gỗ… Kết cấu hạ tầng vùng DTTS từng bước hoàn thiện, gắn liền với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội từng vùng. Đã có 98,4 % xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập của con em người DTTS; 99,3 % xã có trạm y tế, trong đó khoảng 70% xã có bác sỹ chăm sóc sức khỏe nhân dân; trên 90 % xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; 100% xã đã có điện thoại cố định và di động cung cấp các dịch vụ viễn thông và Internet.
Hộ nghèo ở các huyện 30a, các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4% /năm, có nơi giảm trên 5%; các tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống đã có trên 90% người dân được hỗ trợ mua bảo hiêm y tế. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt...
Đại diện cơ quan thẩm tra báo cáo nêu trên của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến khẳng định, Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh được những nét cơ bản về kết quả đạt được trên các lĩnh vực cũng như hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, MN, giai đoạn 2016-2018; đồng thời, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu thực hiện chính sách dân tộc đến năm 2020 và đề xuất, kiến nghị về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc thời gian tới.
Trong 3 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực để triển khai các nghị quyết của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đối với vùng DTTS, MN. Theo báo cáo của Chính phủ, đã ban hành được 41 chính sách, trong đó có 15 chính sách trực tiếp, 26 chính sách chung gián tiếp cho đồng bào dân tộc và vùng DTTS, MN. Thống kê cho đến nay có tổng cộng 118 chính sách, trong đó có 54 chính sách trực tiếp và 64 chính sách gián tiếp.
Hiện nay, hệ thống chính sách DTTS, MN ngày càng đồng bộ, toàn diện, bao phủ rộng khắp nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Nguồn ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển toàn xã hội ngày càng tăng, bước đầu bảo đảm cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và an sinh xã hội (nhất là về giảm nghèo, giáo dục và y tế). Việc tổ chức thực hiện chính sách từng bước được cải tiến nhằm tăng cường hiệu quả chính sách.
Cùng với đó, Báo cáo của Hội đồng Dân tộc cũng đã làm rõ nhiều vấn đề cụ thể được đề cập trong Báo cáo của Chính phủ liên quan đến: Việc ban hành chính sách; kết quả thực hiện giảm nghèo; kết quả xây dựng nông thôn mới ở vùng DTTS, MN; bảo vệ và phát triển rừng; thông tin, văn hóa thể thao và du lịch vùng DTTS, MN; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS; công tác ổn định dân cư, tái định cư cho đồng bào DTTS...
Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc cũng nêu lên một số kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề nghị chỉ đạo sơ kết, tổng kết một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc. Rà soát hệ thống chính sách đối với vùng DTTS, MN, nghiên cứu, tích hợp, lồng ghép, thu gọn đầu mối văn bản chính sách theo hướng, tập trung nguồn lực cho chính sách cơ bản, tăng khả năng tiếp cận chính sách của người DTTS.
Quy định tiêu chí đánh giá, chế độ báo cáo, cung cấp thông tin riêng về vùng DTTS, MN. Từ đó, hằng năm, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương có báo cáo cụ thể, rõ ràng về tình hình DTTS. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quá trình tổ chức thực hiện chính sách dân tộc ở cả Trung ương và địa phương.
Chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát, tính toán khả năng nguồn lực để thực hiện các chính sách đã ban hành, khắc phục tình trạng chính sách ban hành nhưng không bố trí được nguồn lực như hiện nay, gián tiếp làm giảm niềm tin của đồng bào DTTS.
Có giải pháp, nguồn lực giải quyết cơ bản đất ở, đất sản xuất cho người DTTS theo đề án được duyệt; đẩy mạnh giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho đồng bào DTTS; giải quyết tình trạng di dân không theo quy hoạch; khắc phục những hạn chế, tồn tại của công tác di dân, tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện; khẩn trương di dời, bố trí lại dân cư ở những nơi có nguy cơ sạt lở nguy hiểm ở một số địa phương để bảo đảm ổn định xã hội./.
baochinhphu.vn