Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng "bắt bệnh" cái nghèo vùng cao

Chia sẻ với chính quyền và nhân dân tại buổi lễ trao quà Tết cho các hộ nghèo tại các xã của huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) ngày 30.1 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho rằng: "Có 5 nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nghèo còn cao người dân thiếu kiến thức về nghề, về sản xuất và đặc biệt là trình độ của đội ngũ cán bộ xã, thôn, bản còn yếu nên việc hướng dẫn sản xuất, giúp dân làm kinh tế chưa đến nơi, đến chốn..."

Trong ngày làm việc thứ 3 tại tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cùng đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đến thăm, tặng quà Tết cho 25 hộ nghèo tại các xã của huyện Bảo Lâm-một huyện vùng sâu, vùng xa và có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, nhì của tỉnh biên giới Cao Bằng.

"Có người dân không muốn thoát nghèo"

Chia sẻ với đoàn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ông Vũ Ngọc Lưu - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho hay: Tính đến hết năm 2017, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt gần 27.000 tấn, trồng cỏ được hơn 215ha, đàn gia súc, gia cầm đạt gần 318.000 con... Bên cạnh đó, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong năm ước đạt 7,5 tỷ đồng...

Dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song ông Lưu cũng phải thừa nhận một số hạn chế, khó khăn mà địa phương đang gặp phải. Cụ thể, ông Lưu cho biết, tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn chiếm trên 50% dân số với khoảng trên 6.000 hộ và trên 2.000 hộ cận nghèo.

Theo ông Lưu, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tập trung chủ yếu ở khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đường giao thông đi lại khó khăn. Lý giải nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo còn cao, ông Lưu cho rằng: "Bảo Lâm là huyện có xuất phát điểm thấp, là một trong những huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/CP, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra...Ngoài ra cũng khó tránh khỏi nguyên nhân khách quan như người đứng đầu tại một số địa phương còn thiếu quan tâm, công tác thông tin tuyên truyền chưa đa dạng phong phú, trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn thấp, ý thức tự lực vươn lên của người dân chưa cao. Đáng nói trong số đó còn có một bộ phận người dân không muốn thoát nghèo để nhằm hưởng các cơ chế, chính sách của nhà nước...". 

Nhân dịp đến thăm và tặng quà Tết cho các hộ nghèo tại các xã của huyện Bảo Lâm, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng đã gặp bắt tay thân mật và động viên chúc Tết từng người dân tại địa phương.Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng cho hay: Là huyện nghèo, có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng đến nay sau nhiều năm cố gắng, cùng với sự đoàn kết, đồng lòng của chính quyền và người dân, đến nay huyện Bảo Lâm đã phấn đấu đạt được nhiều thành tích đáng khen ngợi. Ví như thành tích trong giảm nghèo, từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao chót vót đến giờ con số này đã giảm xuống đáng kể chỉ còn hơn 50%.

"Chúng tôi rất hy vọng với lòng quyết tâm và ý trí kiên cường của chính quyền và nhân dân Bảo Lâm, trong thời gian tới tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm nhiều hơn xuống dưới 50%, thu nhập của người dân sẽ ngày một nâng lên..." - Chủ tịch Thào Xuân Sùng tin tưởng.

"Ngoài việc sản xuất truyền thống và chăn nuôi trâu, bò...để phát triển kinh tế và tạo đột phá trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, các cán bộ, lãnh đạo địa phương cần nghiên cứu xem có thể dựa vào tiềm năng, lợi thế tự nhiên, núi đá, sông nước để có thể phát triển du lịch được không? Tôi thấy ở dọc đường đến huyện đang xây dựng nhà máy thủy điện rất lớn nếu phát triển được du lịch thăm quan, du lịch cộng đồng hoặc có thể là chăn nuôi cá thì có thể sẽ mang lại thêm hiệu quả kinh tế xã hội..." - Chủ tịch Thào Xuân Sùng gợi ý.

Theo Chủ tịch Thào Xuân Sùng, để hỗ trợ các địa phương trong công tác giảm nghèo, thời gian vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN PTNT, T.Ư Hội NDVN và các bộ, ngành liên quan phối hợp rà soát, điều tra nguyên nhân và tìm giải pháp giúp các tỉnh tháo gỡ khó khăn trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo.

Cũng theo Chủ tịch Thào Xuân Sùng, hiện nay có 5 nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo tại các tỉnh, đặc biệt là khu vực vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số. Thứ nhất là do đất sản xuất của nông dân đã bạc màu, đất có thể sản xuất được cây hàng hóa còn rất ít, trong khi đó phần nhiều diện tích đất là khu vực rừng khoanh nuôi.

Thứ 2 là do hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi...chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất, sinh hoạt của đồng bào. "Do không có điện, nước nên việc sản xuất, sinh hoạt của người dân gặp khó khăn, thậm chí nhiều khi người dân làm ra sản phẩm lại không hoặc khó vận chuyển đi bán được do đường giao thông đi lại khó khăn nên cũng khiến bà con chán nản, mất động lực làm ăn" - Chủ tịch Thào Xuân Sùng phân tích thêm.

Nguyên nhân thứ 3 là do số người được dạy nghề và biết nghề còn hạn chế. Đáng nói hơn là các giáo án dạy nghề, lý thuyết nghề của các cơ quan đào tạo chưa sát với thực tiễn nên khi đào tạo không đem lại hiệu quả như mong muốn.Thứ 4 là do dân không có tiền và không biết vay tiền ở đâu để đầu tư và sản xuất. "Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã giao Ngân hàng CSXH Việt Nam cho bà con vay và giao cho Hội NDVN lập Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đến nay, Hội vẫn đang vận hành Quỹ rất tốt và trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ vốn cho dân làm ăn thoát nghèo, vươn lên làm giàu" - Chủ tịch Thào Xuân Sùng chia sẻ.

Theo Chủ tịch Thào Xuân Sùng, nguyên thứ 5 và cũng là nguyên nhân mấu chốt và quan trọng nhất khiến tỷ lệ hộ nghèo tại các tỉnh vùng cao còn cao là do đội ngũ cán bộ xã, thôn, bản còn yếu về trình độ cũng như năng lực dẫn đến việc tuyên truyền, hướng dẫn bà con làm ăn, sản xuất không đến nơi, đến chốn. Sau khi đưa ra các nguyên nhân Chủ tịch Thào Xuân Sùng cũng động viên và căn dặn các hộ nghèo phải mạnh dạn hơn nữa trong làm ăn và vay vốn để đầu tư sản xuất hàng hóa. 

"Các hộ nghèo được nhận quà Tết hôm nay về phải vươn lên hơn nữa, chịu khó học hỏi để làm giàu. Có muốn nhanh thoát nghèo hay không là do ở mỗi người dân chứ mình cán bộ cố gắng thôi thì chưa đủ. Các hộ muốn thoát nghèo thì phải học hỏi và cứ mạnh dạn làm. Nếu cái gì không biết thì tìm đến các cán bộ xóm, bản, xã thậm chí là cán bộ, lãnh đạo huyện để hỏi nhờ trợ giúp thì mới có kiến thức để làm ăn và làm giàu được" - Chủ tịch Thào Xuân Sùng chia sẻ.

Để hỗ trợ địa phương, Chủ tịch Thào Xuân Sùng cho rằng: "Hiện nay T.Ư Hội NDVN đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện 6 dự án liên quan đến công tác giảm nghèo, và trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đặc biệt chú ý và giúp đỡ huyện Bảo Lâm trong công tác đào tạo nghề, tập huấn cho người dân sản xuất, chăn nuôi hàng hóa, mong rằng sẽ giúp cho bà con trên địa bàn vươn lên thoát được nghèo"...

danviet.vn

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành