Giải pháp xây dựng chính sách tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030
Ngày 26/7, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ban Dân vận Trung ương tổ chức “Hội thảo giải pháp xây dựng chính sách tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030” nhằm tham vấn, lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, xây dựng và thực thi chính sách dân tộc.
Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình CTDT/16-20; Nguyễn Lâm Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc Hội; Bùi Tuấn Quang, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; Phan Văn Hùng – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình CTDT/16-20.
Hội thảo nằm trong Kế hoạch công tác năm 2019 của Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” (Chương trình CTDT/16-20). Tham dự Hội thảo có đại diện một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình CTDT/16-20; Hội đồng Khoa học của UBDT; các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, xây dựng và thực thi chính sách dân tộc.
Khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh:Vấn dân tộc và đại đoàn kết dân tộc là vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Đảng và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực đầu tư, với nhiều cơ chế chính sách quan trọng, thực tế đã đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm giải quyết, cụ thể: Đồng bào DTTS chiếm 14,6% dân số cả nước, nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 63,35%, nhiều tỉnh chiếm trên 90%; còn 21% người DTTS từ 15 tuổi trở lên chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 6%, tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà là 36,3%, còn 68,5% hộ DTTS có nhu cầu được giao thêm đất sản xuất để đảm bảo được đời sống...
Thực tế đó là nỗi trăn trở, day dứt đối với các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà khoa học, đặc biệt là cơ quan làm công tác dân tộc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến tin tưởng, Hội thảo sẽ tiếp thu được nhiều giải pháp, nhiều ý kiến quý báu của các nhà khoa học để làm cơ sở hoàn thiện Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 trước khi báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.
Phát biểu tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý bày tỏ sự nhất trí cao về nội dung của Đề án và cho rằng Đề án đã đề cập đến các vấn đề lớn, bao quát được toàn bộ các vấn đề kinh tế - xã hội vùng DTTS, có tầm nhìn đến 2030. Đề án là công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đặt vấn đề sát với yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay; đáp ứng tâm tư nguyện vọng của đồng bào DTTS ở tất cả các vùng miền trên cả nước.
Tuy nhiên, trong tổng quan cấu trúc và nội dung của Đề án, các đại biểu cho rằng cần cân nhắc, điều chỉnh, bổ sung một số vấn đề liên quan đến sự cần thiết xây dựng Đề án, như: Địa bàn vùng DTTS, MN không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng mà còn là vùng giao lưu, địa chính trị, địa văn hóa và địa kinh tế, do đó cần lưu ý nhấn mạnh tới khía cạnh này khi đặt vấn đề xây dựng Đề án.
Đề án đã đánh giá đúng về thực trạng khó khăn ở vùng DTTS&MN. Tuy nhiên cần làm rõ hơn, vùng này không chỉ nghèo về kinh tế, mà còn nghèo theo nhiều nghĩa khác: Về điều kiện giáo dục, hưởng thụ văn hóa, nghèo cả cơ hội và nghèo về thông tin... Vì vậy, đầu tư của nhà nước là phải đầu tư để tạo cơ hội, mở ra cơ hội.
Đề cập tới mục tiêu của đề án, các ý kiến đề nghị cần làm rõ cơ sở để đưa ra các mục tiêu một cách thuyết phục, vì trong thời gian 5 năm (2021-2025) để giải quyết các mục tiêu này là nhiệm vụ không hề dễ; Đề án cần đề ra các chương trình cụ thể, từ đó đưa ra mục tiêu chi tiết, có đo lường và định lượng được...Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng phân tích, đề xuất các ý kiến liên quan tới phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án.
Đánh giá cao sự tham gia của các nhà khoa học với nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp cho đề án, ông Nguyễn Lâm Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội chia sẻ: Việc xây dựng Đề án tổng thể xuất phát từ thực tiễn các chính sách giảm nghèo trong những năm qua có sự chồng chéo, manh mún, không phát huy được hiệu quả, yêu cầu là phải rà soát, tích hợp các chính sách, qua đó đề xuất những vấn đề mới trong chính sách để đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển bền vững, hội nhập. Trong Nghị quyết 74/NQ-QH14 ngày 20/11/2018 của Quốc hội yêu cầu xây dựng một đề án tổng thể với tinh thần chính là đầu tư, chứ không phải hỗ trợ, đảm bảo tính khách quan, khoa học.
Ông Nguyễn Lâm Thành cho rằng, ngoài việc giải quyết sự chồng chéo trong chính sách, Đề án phải giải quyết được việc phát huy nội lực, tăng cường tự lực cánh sinh của đồng bào các dân tộc trong quá trình phát triển; đảm bảo quyền bình đẳng về tiếp cận các dịch vụ, bình đẳng về cơ hội phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cũng nhấn mạnh tới vị trí của khu vực miền núi trong việc đóng góp cho quốc gia về môi trường, khoáng sản, rừng, nguồn nước... đóng góp trong bảo vệ, giữ gìn an ninh quốc phòng. Ông đề xuất về địa bàn phải có tiêu chí cụ thể, cần xác định rõ đối tượng, phạm vi và nên tập trung vào các vùng rất khó khăn.
Tổng kết Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến ghi nhận, tiếp thu những ý kiến tâm huyết trách, nhiệm của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, đồng thời nhấn mạnh: Đề án chủ yếu đề cập đến phát triển kinh tế - xã hội, nhưng tư tưởng chỉ đạo chung, có tính chất xuyên suốt là phải nhằm mục đích củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, hướng chủ đạo là đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng cho rằng, cần phải làm rõ, sâu sắc thêm một số khái niệm như: Vùng đồng bào DTTS, chính sách dân tộc là gì? trọng tâm đột phá của Đề án là gì? để từ đó rà soát, xác định rõ phạm vi áp dụng, đối tượng điều chỉnh, xác định tính khả thi, các chỉ tiêu cụ thể, giải pháp đột phá (Đột phá về giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững, đột phá để tạo cơ hội phát triển).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết, đề án trình Chính phủ, Quốc hội với mong muốn tạo được sản phẩm đầu ra là: Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư phát triển miền núi và vùng đồng bào DTTS; chương trình đặc thù ổn định đời sống, tạo sinh kế và phát triển bền vững miền núi và vùng đồng bào DTTS. Hội thảo lần này đã đóng góp thêm nhiều nội dung quan trọng cho Đề án.