Họp Ban Soạn thảo Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025
Ngày 11/7, tại trụ sở Ủy ban Dân tộc (UBDT), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến đã chủ trì cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Đề án Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng dân tộc thiểu số (DTTS), vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 (Đề án Tổng thể). Cùng dự có các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT: Phan Văn Hùng, Hoàng Thị Hạnh, đại diện các bộ, ngành Trung ương, đại diện một số vụ, đơn vị trực thuộc UBDT.
Đại biểu dự họp đã nghe ông Bùi Văn Lịch, Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc, UBDT, Tổ trưởng Tổ Biên tập thông tin về tiến độ xây dựng Đề án tổng thể. Theo đó, đến thời điểm hiện tại đã thành lập Ban Soạn thảo, Tổ biên tập; xây dựng đề cương dự thảo Đề án trên cơ sở rà soát quan điểm, đường lối, văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Dự kiến, Đề án sẽ được trình xin ý kiến Thường trực Chính phủ và trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 7/2019. Sau đó, Đề án sẽ được gửi đến cơ quan thẩm tra của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ tám Quốc hội Khóa XIV.
Góp ý cho Đề án Tổng thể, ý kiến của một số đại biểu cho rằng: Đề án Tổng thể cần xác định rõ về các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể cho từng hạng mục; nên thống nhất số liệu từ các báo cáo để làm căn cứ rà soát, xây dựng Đề án. Chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể cho một số bộ, ngành; cần xây dựng cơ chế đặc thù tín dụng, cách thức, phương thức cho vay, đảm bảo nợ, không phụ thuộc vào các quyết định hiện tại; cần có tiêu chí, chính sách cho từng người nghèo, không phải hộ nghèo theo xu thế giảm cho không, tăng cho vay đối với những mô hình tạo sinh kế. Cũng có ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi trong việc tích hợp các chính sách và cho rằng cần sớm hoàn thiện Đề án để kịp trình các cơ quan có thẩm quyền.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu, mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành. Bộ trưởng, Chủ nhiệm giao Tổ Biên tập Đề án sớm cử cán bộ làm việc với các bộ, ngành về các nội dung chưa thống nhất, đồng thời yêu cầu Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập phải nỗ lực cao độ để hoàn thiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ vào khoảng 25/7/2019.