Hợp tác, kết nối hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp

Ngày 16/5, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Diễn đàn phát triển Dân tộc thiểu số năm 2017: “Hợp tác, kết nối hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp”. Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT và ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn.

Tham gia diễn đàn có các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT; đại diện một số Bộ, ngành liên quan; một số địa phương; các đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế; các nhà tài trợ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng hơn 200  đại biểu người DTTS đã khởi nghiệp thành công hoặc đang có nhu cầu được hỗ trợ khởi nghiệp.

Diễn đàn phát triển Dân tộc thiểu số năm 2017 với chủ đề: “Hợp tác, kết nối hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp” là cơ hội để các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các đối tác hỗ trợ khởi nghiệp, các tổ chức quốc tế và chính các doanh nghiệp lập nghiệp, khởi nghiệp là người DTTS cùng chia sẻ, thảo luận để tìm kiếm những giải pháp kết nối, hỗ trợ tốt hơn cho mục tiêu phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu của cộng đồng các DTTS Việt Nam.

Diễn đàn hướng tới mục tiêu giúp các nhóm khởi nghiệp dân tộc thiểu số hiểu được họ còn khó khăn gì, cần gì đồng thời tìm chuỗi liên kết giá trị với doanh nghiệp DTTS, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đối tác công-tư quốc tế, các nhà khoa học, các nguồn lực xã hội. Thông qua đó để có cơ hội tiếp cận chính sách, nâng cao năng lực khởi nghiệp, tạo việc làm,tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững, kết nối mạng lưới khởi nghiệp, bảo tồn tri thức dân tộc, hội nhập và tự tin, tự hào dân tộc...

Phát biểu khai mạc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: UBDT xác định công tác giảm nghèo và phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS phải dựa trên nội lực của chính người DTTS. Vùng cao và miền núi có địa bàn rộng lớn, nhiều tài nguyên, sản vật phong phú, sự đa dạng văn hóa cùng với sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, vì vậy khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS Việt Nam cần được nhìn nhận như là vùng đất cơ hội phát triển. Bộ trưởng cũng cho biết, trong nhiệm kỳ hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết và chương hành động hết sức cụ thể để xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bộ trưởng bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến các đối tác phát triển, các Ban, Bộ, ngành và các địa phương đã cùng đồng hành, hỗ trợ UBDT cũng như dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực lập nghiệp, khởi nghiệp vùng DTTS &MN trong thời gian qua. Bộ trưởng mong muốn, UBDT sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, kết nối của tất cả các đối tác để hỗ trợ đồng bào DTTS nỗ lực phấn đấu vượt qua chính mình, hội nhập và phát triển cùng đất nước.

Bày tỏ vui mừng khi được đồng hành cùng UBDT hỗ trợ khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS Việt Nam, ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu trong giảm nghèo và được thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào DTTS hiện vẫn cao gấp 3 lần mức bình quân chung của cả nước bởi nhiều nguyên nhân (do giáo dục, an sinh xã hội và sinh kế). Vì vậy, Chương trình khởi nghiệp ngoài mục đích phát triển sinh kế còn nhằm phát triển nguồn vốn và yếu tố con người, hướng đến hỗ trợ cho các nhóm DTTS, nhất là phụ nữ. Diễn đàn là cơ hội để thu hút nguồn đầu tư và khám phá những phương thức tiếp cận mới, tạo thêm cơ hội cho đồng bào DTTS khởi nghiệp và phát triển kinh doanh trên chính khu vực họ sinh sống và phát triển ra ngoài cộng đồng. Do đó, cần phải có những biện pháp giúp họ khởi nghiệp mang tính chất bền vững, lâu dài.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã được nghe Tổ công tác 569 của UBDT cũng như các tổ chức quốc tế giới thiệu thực trạng khởi nghiệp của đồng bào DTTS; chính sách và thực tiễn tiếp cận của các nhóm đồng bào DTTS khởi nghiệp; chia sẻ mô hình hợp tác giữa nhà khoa học - nhà tư vấn - đồng bào DTTS khởi nghiệp dựa trên tri thức truyền thống, giảm nghèo bền vững tại công ty SAPANAPRO; phát triển mối quan hệ đối tác công-tư-cộng đồng trong hỗ trợ khởi nghiệp đồng bào DTTS.

Đại diện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công tại vùng DTTS, bà Tần Thị Shu - Giám đốc Công ty Sapa O’Châu chia sẻ: “Chúng tôi có ước mơ, có ý tưởng nhưng rất khó khăn để có thể đạt được những thành quả như ngày hôm nay. Mong rằng, qua chương trình khởi nghiệp của UBDT sẽ giúp truyền cảm hứng, hình thành ý tưởng cho các bạn trẻ. Hiện nay cần có các cơ chế chính sách để hỗ trợ đồng bào kỹ năng, kiến thức để khởi nghiệp bền vững, lâu dài từ thế hệ này sang thế hệ khác, để họ có thể gìn giữ được những đặc trưng của vùng đất họ sinh sống, gìn giữ văn hóa dân tộc mình. Tôi mong muốn được nhân rộng và chia sẻ kinh nghiệm trong việc khởi nghiệp”.

Chia sẻ về các nội dung liên quan đến khởi sự kinh doanh - liên kết, bà Nguyễn Thị Huyền - Điều phối viên Tổ chức Lao động Quốc tế ILO cho biết, để khởi sự kinh doanh cần có khát vọng và động lực, có kiến thức và kỹ năng, trong đó không thể thiếu môi trường hỗ trợ, nguồn vốn và sự tiếp sức của thị trường. Bà cũng nêu sự cần thiết có đối tác công - tư - cộng đồng trong khởi nghiệp cũng như một số bài học và khuyến nghị, trong đó nhấn mạnh tới các yếu tố dẫn đến sự thành công là việc lồng ghép các nguồn lực.

Theo kế hoạch hành động hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp và kết nối hợp tác, bằng các nguồn lực xã hội “Công-tư-quốc tế”, tổ công tác 569 của UBDT hướng tới mục tiêu “Không bỏ ai lại phía sau” trong đó tập trung vào các nội dung: Xây dựng cơ sở dữ liệu các tổ chức khởi nghiệp và truyền thông; nâng cao năng lực khởi nghiệp; tăng tốc khởi nghiệp, phát triển thị trường; thành lập mạng lưới đối tác hỗ trợ khởi nghiệp và thường xuyên đối thoại chính sách. Tổ công tác cũng đặt ra mục tiêu, sẽ có khoảng 100 doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, hiệu quả ở vùng DTTS trong vòng 2 năm tới.

Phát biểu tổng kết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Vùng DTTS và miền núi là vùng có lợi thế về sản xuất cây trồng, vật nuôi, đặc sản, cây dược liệu, là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các DTTS, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh để kinh doanh du lịch, nhất là du lịch cộng đồng... đây là điều kiện để du khách đến với đồng bào, chia sẻ khó khăn, kết nối hợp tác, giúp đỡ đồng bào nuôi dưỡng khát vọng kinh doanh, vượt lên chính mình để “giảm người nghèo, tăng người giàu”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm đánh giá cao kế hoạch hành động của tổ công tác 569, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ tối đa, giải quyết mọi công việc theo thẩm quyền của mình để bản kế hoạch sớm đi vào cuộc sống, thúc đẩy khởi nghiệp của đồng bào DTTS.

Nhân diễn đàn lần này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến gửi  thông điệp đến các bạn trẻ DTTS: “Hãy nuôi dưỡng khát vọng kinh doanh, tự tin phát huy nội lực, chia sẻ thông tin kết nối, hợp tác và hành động quyết liệt”.

Diễn đàn khởi nghiệp lần này cũng là dịp để các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công ở vùng DTTS giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của doanh nghiệp mình. Các sản phẩm mang đậm nét đặc trưng của từng vùng miền, từng địa phương, cho thấy sự đa dạng về tài nguyên, sản vật, văn hóa... đồng thời cũng là sự khẳng định về tiềm năng, lợi thế phát triển của vùng DTTS và miền núi.

Tại Diễn đàn, UBDT và các đối tác, doanh nghiệp và các bên liên quan đã ký kết hợp tác và các biên bản ghi nhớ.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành