Ninh Thuận: Nhiều đổi thay nhờ thực hiện chính sách dân tộc
Ngày 04/4/2019, Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo Trung ương do ông Điểu K’Ré, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Ninh Thuận. Cùng đi với đoàn có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Hoàng Thị Hạnh và đại diện các cơ quan ban, ngành Trung ương.
Theo báo cáo của tỉnh Ninh Thuận, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh đã có sự đổi thay đáng kể, khoảng cách giữa miền xuôi với miền núi được rút ngắn dần.
Tỉnh Ninh Thuận có dân số trên 600.000 người, với 34 dân tộc sinh sống và có 07 đơn vị hành chính cấp huyện. Trong đó, đồng bào DTTS là 162.033 người, chiếm 24,34% dân số toàn tỉnh. Đến nay, các xã miền núi được đầu tư khá hoàn chỉnh, kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% số thôn có điện lưới quốc gia, trên 83% hộ dân được sử dụng nước sạch. Công tác xóa đói giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo thực hiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm hàng năm từ 3-4% (riêng huyện Bác Ái giảm từ 5-6%). Hiện nay, tỉ lệ hộ nghèo DTTS theo chuẩn nghèo đa chiều là 27,74%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 26 triệu đồng/người/năm; đã xóa được nhà tạm, nhà dột nát, không còn tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất.
Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 21/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 11 xã có đồng bào DTTS sinh sống. Tỉnh đã huy động trên 8.208 tỷ đồng đầu tư gần 1.220 hạng mục công trình, tập trung cho giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn… Hầu hết các công trình được đầu tư đều phát huy tác dụng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, nhân dân phấn khởi, có niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tuy đã đạt được những kết quả khích lệ nhưng do thời tiết, điều kiện tự nhiên ở vùng đồng bào DTTS không thuận lợi, tập quán sản xuất còn lạc hậu, một số chính sách đầu tư cho không, tạo tâm lý trông chờ ỷ lại của một bộ phận đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc chưa sâu sắc; công tác phối hợp giữa các cấp, ngành chưa sâu sát nên cũng ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS, miền núi.
Tỉnh Ninh Thuận có một số đề xuất kiến nghị với Đoàn công tác: Nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách của Trung ương để đầu tư phát triển vùng DTTS ở Ninh Thuận còn thấp. Việc huy động nguồn vốn khác cho việc thực hiện chương trình, chính sách cho đồng bào DTTS và miền núi còn khó khăn, do đó, đề nghị Chính phủ sớm bố trí vốn triển khai thực hiện Đề án 2085/QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách đặc thù phát triển KT-XH vùng DTTS giai đoạn 2016-2020; đồng thời, tiếp tục quan tâm bổ sung vốn xây dựng sở hạ tầng, phát triển bền vững vùng DTTS.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện, các thành viên Đoàn kiểm tra đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh Ninh Thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH, nhất là công tác giảm nghèo đã đạt kết quả phấn khởi và giải quyết tốt chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Thay mặt Đoàn kiểm tra, ông Điểu K’Ré, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương đề nghị thời gian tới, huyện cần tiếp tục quan tâm, thực hiện một số nội dung như: Tập trung cải thiện đời sống cho đồng bào các DTTS, nhất là bộ phận người dân còn khó khăn; làm tốt hơn nữa công tác cán bộ vùng dân tộc; phát huy công khai minh bạch, dân chủ trong việc triển khai các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với người có uy tín, già làng DTTS huyện Bác Ái. Hầu hết các ý kiến của người uy tín đều cho rằng nhờ có các chính sách dân tộc mà đời sống của bà con được nâng lên và mong muốn nhà nước tiếp tục đầu tư cho đồng bào DTTS. Cụ thể là chính sách vay vốn, đầu tư xây dựng thủy lợi, tạo công ăn việc làm cho học sinh DTTS đã tốt nghiệp đại học, các chính sách bảo tồn văn hóa của đồng bào DTTS, hỗ trợ đào tạo giáo viên dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc...
Thay mặt Đoàn công tác, ông Điểu K’Ré ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của người uy tín đối với sự phát triển của cộng đồng DTTS. Mong rằng trong thời gian tới, đội ngũ người có uy tín tiếp tục thể hiện là những “cây đại thụ” của buôn làng, giúp bà con ngày một phát triển trong xóa nghèo, làm ăn kinh tế. Đoàn công tác đã ghi nhận ý kiến của bà con, trình Chính phủ xem xét. Dịp này, Đoàn công tác cũng đã tặng 50 phần quà cho các em học sinh nghèo Trường Tiểu học Phước Đại A, Tiểu học Phước Đại B và THCS Trần Phú; trao 25 phần quà cho hộ nghèo là người đồng bào DTTS xã Phước Đại và 32 phần quà cho người uy tín huyện Bác Ái.