Tăng cường nhân lực y tế cho 62 huyện nghèo trong cả nước

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) Phạm Văn Tác cho biết: Bộ Y tế đã xây dựng Dự án "Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn". Mục tiêu của dự án là tiến tới cung cấp nguồn nhân lực y tế là bác sỹ đầy đủ về số lượng, đáp ứng được chất lượng cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế bảo đảm công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngay tại cơ sở.

Đối tượng của Dự án là các bác sỹ đã tốt nghiệp chính quy, bác sỹ đang làm việc chưa đúng ngành nghề đào tạo và bác sỹ khác có nhu cầu, tự nguyện tham gia dự án. Về thời gian công tác tình nguyện, đối với nam tối thiểu 5 năm và nữ là 4 năm. Các bác sỹ tốt nghiệp loại khá, giỏi sẽ được ưu tiên tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển đặc cách và ký hợp đồng làm việc tại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế hoặc bệnh viện thuộc Sở Y tế. Ngoài ra, các bác sỹ tham gia dự án sẽ được tiếp tục đào tạo thêm 1 năm ngay sau khi ra trường và sau khi hoàn thành dự án sẽ được ưu tiên trong việc tiếp tục đi học chuyên khoa cấp II, thạc sĩ, nghiên cứu sinh.

Các bác sỹ tình nguyện làm việc tại các huyện nghèo sẽ được hưởng 100% lương; không tính thời gian tập sự; được xếp lương bậc 2 (sau khi được cấp bằng chuyên khoa I); trong thời gian công tác được hưởng đầy đủ các chế độ phụ cấp theo quy định hiện hành và chính sách ưu đãi khác của địa phương; đồng thời được địa phương tạo điều kiện thuận lợi về nhà công vụ, các điều kiện vật chất liên quan khác...

Báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là 20 tỉnh có huyện nghèo cho thấy, số lượng và chất lượng đội ngũ bác sỹ tại các huyện nghèo còn nhiều bất cập; một số bệnh viện đa khoa tuyến huyện chỉ có 6 - 7 bác sỹ, trong đó chỉ có 1- 2 bác sỹ chuyên khoa cấp I (như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu). Tại các Trung tâm y tế huyện số lượng bác sỹ còn hạn chế hơn với 4 - 5 bác sỹ, trong đó chỉ có 1- 2 bác sỹ có trình độ chuyên khoa cấp I (như Bình Định, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Lai Châu...). Chính vì vậy chất lượng dịch vụ y tế tại các huyện nghèo còn rất hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu của sự thiếu hụt nhân lực y tế tại các huyện nghèo là do tác động của nền kinh tế thị trường, do môi trường và điều kiện làm việc tại các huyện nghèo còn nhiều khó khăn; trong khi đó các chế độ, chính sách đãi ngộ hiện nay chưa đủ để thu hút và duy trì được đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn, đặc biệt là bác sỹ về công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, một bộ phận bác sỹ trẻ mới ra trường chưa được sử dụng đúng với trình độ chuyên môn do không tìm được việc làm hoặc làm trái với trình độ, ngành nghề được đào tạo.

( Theo baotintuc.vn)

[TT: LPM]

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành