Tiếp tục đẩy mạnh khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Từ khát vọng đến hành động

Từ năm 2017 đến nay, cụm từ “khởi nghiệp” trở nên phổ biến với thanh niên cả nước. Nhưng đối với vùng miền núi, biên giới, câu chuyện khởi nghiệp vẫn còn là vấn đề mới và gặp không ít khó khăn. Với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc phát triển chung, năm 2018-2019, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS.

Phong trào khởi nghiệp của thanh niên DTTS sẽ giúp đồng bào DTTS  có nhiều hướng đi mới trong công cuộc thoát nghèo

Theo anh Giàng Seo Châu, Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn, thạc sỹ người Mông đầu tiên của huyện Si Ma Cai (Lào Cai), thời gian qua đã có nhiều tấm gương thanh niên người DTTS mạnh dạn khởi nghiệp, và đã thành công. Ngay ở huyện Si Ma Cai, mô hình trồng Sa nhân tím của anh Giàng Seo Quang ở thôn Sín Pao Chải (xã Thào Chư Phìn) đã đem lại nguồn thu nhập ổn định. Năm 2017, vườn sa nhân tím của anh Quang (khoảng 4.000 m2) đã cho thu hoạch trên 180 triệu đồng.

Nhưng nhìn một cách tổng quát, câu chuyện khởi nghiệp, phong trào lập thân lập nghiệp của thanh niên vùng cao vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Theo Anh Châu, phong trào khởi nghiệp của thanh niên vùng cao còn thiếu “lửa”, chưa đủ sự quyết tâm, nhiệt tình cần thiết. Ngoài ra, để thanh niên vùng cao lập thân, lập nghiệp thành công, rất cần sự quan tâm, tháo gỡ từ nhiều phía.

Thực tế, lâu nay phần lớn thanh niên DTTS đều chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp, nên thường có rủi ro cao. Thêm vào đó, nguồn vốn khởi nghiệp thường khá hạn hẹp, nên những thất bại ban đầu dễ khiến thanh niên nản chí. Có nhiều người, thay vì phát triển các mô hình kinh tế do bản thân làm chủ, lại lựa chọn con đường đi làm thuê lấy công trang trải cuộc sống hàng ngày.

Đây chính là những “điểm nghẽn” cần phải tháo gỡ để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong phong trào khởi nghiệp của thanh niên DTTS. Nhất là trong điều kiện nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc ngày càng khó khăn, giảm nghèo vùng DTTS và miền núi không thể chỉ trông vào các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà phải tập trung nhiều hơn vào việc phát huy nội lực của chính người dân ở khu vực này. Cụ thể là hỗ trợ để đồng bào lập nghiệp, khởi nghiệp phát triển sản xuất-kinh doanh, làm giàu từ chính tiềm năng, lợi thế của địa phương mình. 

Nhiều mô hình kinh tế mới đã thực sự phát huy hiệu quả

Trong những năm qua, cùng với các bộ ngành, địa phương, Ủy ban Dân tộc cũng đã tổ chức nhiều diễn đàn để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp cho thanh niên DTTS. Như khẳng định của ông Hà Việt Quân, Hà Việt Quân-Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế (Ủy ban Dân tộc), Tổ trưởng tổ công tác 569 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về hỗ trợ khởi nghiệp cho đồng bào DTTS, đây chính là một sự chuyển hướng phù hợp trong thực hiện chính sách, từ chính sách giảm nghèo sang tăng giàu. Việc tập trung vào khởi nghiệp sẽ góp phần tạo việc làm, tăng giá trị thu nhập, từ đó gia tăng nguồn thuế để phục vụ các phúc lợi xã hội.

Năm 2018, phong trào khởi nghiệp của thanh niên cả nước nói chung, thanh niên người DTTS nói riêng chắc chắn sẽ được tiếp thêm “lửa”. Ngày 01/1/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Một trong những nội dung trọng tâm của công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2018 là “phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, thúc đẩy khởi nghiệp trong mọi ngành, mọi lĩnh vực; hỗ trợ, thu hút đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ thành lập, phát triển và liên kết hoạt động các không gian làm việc chung, vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành