Xây dựng Báo cáo tổng kết chính sách dân tộc giai đoạn 2011 – 2015
Chiều ngày 2/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Báo cáo tổng kết chính sách dân tộc giai đoạn 2011 – 2015 và Khung chính sách giai đoạn 2016 – 2020. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có đại diện một số Bộ,
ngành Trung ương; đại diện một số Vụ, đơn vị thuộc UBDT và Ban Dân tộc cùng một
số sở, ngành ở các tỉnh khu vực phía Bắc.
Theo dự thảo Báo cáo tổng kết
chính sách dân tộc giai đoạn 2011 – 2015 và Khung hệ thống chính sách dân tộc
giai đoạn 2016 – 2020 được đại diện Vụ Chính sách Dân tộc UBDT trình bày tại Hội
thảo cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2015, hệ thống chính sách dành cho vùng
DTTS khá đầy đủ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và phủ kín các địa bàn vùng
DTTS&MN. Cơ chế chính sách đã từng bước thay đổi về quan điểm, tư duy, phân cấp
mạnh cho địa phương, thể hiện rõ tính công khai, minh bạch trong xây dựng, lập
kế hoạch, phân bổ nguồn lực; từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ chuyển dần sang hỗ trợ
cho cộng đồng, nhóm hộ, từ cho không chuyển sang cho vay.
Các chính sách nhận được sự quan
tâm phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương; vai trò của người dân và đối tượng
thụ hưởng được phát huy tốt hơn, tạo được sự đồng thuận từ Trung ương đến địa
phương trong các khâu xây dựng, thực hiện, kiểm tra và đánh giá chính sách.
Trong giai đoạn qua, việc triển
khai thực hiện hệ thống chính sách dân tộc đã thu được những thành quả quan
trọng, nguồn lực đầu tư được ưu tiên hơn so với giai đoạn trước, góp phần thay
đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng DTTS&MN, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội. Tỷ
lệ hộ nghèo DTTS năm 2014 cả nước là 5,97% (663.563 hộ), giảm 1,83% so với năm
2013.
Các chương trình, chính sách được
phân theo 8 lĩnh vực để triển khai, thực hiện tại vùng DTTS&MN gồm: chính sách
hỗ trợ phát triển sản xuất; chính sách giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết
việc làm; chính sách nước sạch, bảo vệ môi trường sinh thái; chính sách giáo dục
đào tạo; chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa, du lịch, thông tin tuyên
truyền vùng DTTS&MN; chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe; chính sách củng cố
hệ thống chính trị vùng DTTS&MN; phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý
tại vùng DTTS&MN.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực
hiện chính sách dân tộc vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: một số chính sách
có mục tiêu lớn nhưng thời gian thực hiện ngắn và nguồn lực không đảm bảo nên
đạt hiệu quả thấp; chính sách ban hành trước và sau thiếu sự kết nối về nội
dung, nhiệm vụ; hệ thống chính sách còn tản mạn, chưa đồng bộ; cơ chế thực hiện
chính sách còn nhiều bất cập; nguồn lực bố trí cho các chính sách thường chỉ đáp
ứng khoảng 40 - 60% kế hoạch đề ra; việc tổ chức thực hiện cũng còn nhiều bất
cập; kết quả giảm nghèo thiếu tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao…
Trong giai đoạn 2016 - 2020,
Khung chính sách chung thực hiện tại vùng DTTS&MN hướng tới tập trung vào các
chính sách cần ưu tiên thuộc các nhóm chính sách chính gồm: nhóm chính sách phát
triển kinh tế, nhóm chính sách xã hội, nhóm chính sách đặc thù vùng DTTS&MN,
nhóm chính sách đảm bảo an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế.
Đại diện Ban Dân tộc Lào Cai
đóng góp ý kiến tại Hội thảo.
Tham gia ý kiến tại Hội thảo, các
đại biểu đề nghị trong giai đoạn tới, việc xây dựng chính sách cần có cơ chế đặc
thù cho vùng đồng bào DTTS; Sử dụng nguồn nhân lực DTTS được cử tuyển về địa
phương công tác, giúp giải quyết việc làm cho con em đồng bào DTTS; có chính
sách đặc thù dành cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc tại các địa phương
vùng khó khăn; có cơ chế chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng DTTS địa hình khó khăn
( trồng rừng, trồng cây dược liệu, các vật nuôi có giá trị kinh tế cao…); ổn
định đời sống nhân dân, giảm tình trạng du canh, du cư; quy hoạch dân cư tập
trung để từ đó việc triển khai các chính sách, đề án thuận lợi hơn (xây dựng
trường học, chợ, trạm y tế…) góp phần đáp ứng cơ bản đời sống cho đồng bào; xây
dựng chính sách cần khảo sát kỹ tính khả thi và nguồn lực đầu tư sao cho đáp ứng
được yêu cầu và kế hoạch đặt ra…
Ghi nhận các ý kiến phát biểu tại
Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan nhấn mạnh tới một số nội dung
như: Về ý kiến đối với một số chính sách hết hiệu lực mà mục tiêu chưa hết, Thứ
trưởng, Phó Chủ nhiệm cho biết, UBDT đã tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính
phủ, theo đó các chính sách sắp hết hiệu lực trong năm 2015 sẽ được tích hợp lại
thành 1 chính sách đặc thù để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm nhấn
mạnh: các chính sách chồng chéo, trùng lắp sẽ được rà soát và bổ sung, hoàn
thiện…; các chính sách tín dụng cho hộ đồng bào DTTS cần giảm cho không, tăng
cho vay và giảm lãi suất hoặc không lãi suất, ưu tiên nguồn lực cho vùng DTTS;
các chính sách về giáo dục, cử tuyển, dạy nghề là các chính sách tốt, tuy nhiên
có nhiều địa phương chưa vận dụng, thực hiện hiệu quả, đội ngũ người DTTS tham
gia vào hệ thống chính trị còn rất thấp, số lượng học sinh, sinh viên người DTTS
được đào tạo qua đại học còn ít có những dân tộc ít người chưa có người tốt
nghiệp đại học; cần tính đến việc kết nối giữa doanh nghiệp và chính quyền trong
việc đào tạo nhân lực cho vùng DTTS giúp giải quyết việc làm cho con em đồng bào…
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cũng
yêu cầu Tổ soạn thảo báo cáo tiếp tục lấy ý kiến góp ý của các đại biểu để tổng
hợp, hoàn thiện báo cáo.