Xây dựng tiêu chí xác định các dân tộc còn nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù

Ngày 10/8/2020, tại Trụ sở Ủy ban Dân tộc (UBDT), Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến đã chủ trì cuộc họp về việc xây dựng tiêu chí xác định các dân tộc còn nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù. Tham dự có đại diện Bộ Tư pháp; đại diện một số Vụ trực thuộc UBDT.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

 

Theo Nghị quyết 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giao Chính phủ xây dựng tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù. Trên cơ sở đó, Chính phủ giao UBDT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tư pháp xây dựng Dự thảo Đề án “Xác định tiêu chí các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù”. 

Báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm và các đại biểu dự họp, ông Lưu Xuân Thủy - Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (UBDT) cho biết: Qua khảo sát, nghiên cứu, các DTTS dưới 10 nghìn người là dân tộc rất ít người, nằm trong nhóm các dân tộc có khó khăn đặc thù (16 dân tộc); các dân tộc còn lại là dân tộc còn gặp nhiều khó khăn (dự kiến có 14 dân tộc).

Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến xoay quanh việc xây dựng tiêu chí xác định các dân tộc còn nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù. Các ý kiến đề nghị cần có khung thời gian dự kiến thực hiện việc xây dựng Dự thảo Đề án, đảm bảo tính khả thi. Xây dựng tiêu chí dân tộc còn khó khăn đảm bảo tính thuyết phục. Cần bổ sung các tiêu chí như: Tỷ lệ người trên 15 tuổi không biết đọc, biết viết để đưa vào tiêu chí (căn cứ vào kết quả Điều tra thực trạng KT-XH 53 DTTS)…

 

Toàn cảnh buổi họp

 

Kết luận phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến khẳng định: Dự thảo Đề án “Xác định tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù” sẽ được áp dụng ở phạm vi khoảng 20 tỉnh. Để đảm bảo tính khả thi, tăng tính đồng thuận, UBDT sẽ tổ chức các hội thảo, xin ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm yêu cầu, Dự thảo Đề án phải đảm bảo tính kế thừa, phát triển, phù hợp, được khẳng định bằng thực tiễn…. trên cơ sở tích hợp nhóm dân tộc khó khăn và khó khăn đặc thù làm một. Tiêu chí xác định là tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (gấp 1,5 so bình quân chung); các dân tộc có tỷ lệ người tốt nghiệp cao đẳng, đại học bằng 30% mức bình quân chung trở xuống; tỷ lệ chết trẻ dưới 01 tuổi (Căn cứ kết quả Điều tra thực trạng KT-XH 53 DTTS mới được công bố để xây dựng Dự thảo Đề án).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến giao Vụ Dân tộc thiểu số chủ trì việc soạn thảo văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (kèm theo các số liệu dẫn chứng) trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành