Xóa đói giảm nghèo và đào tạo nghề- “Điểm sáng” trong bức tranh KT-XH 2018
Đảm bảo an sinh xã hội, đào tạo nghề và giảm nghèo bền vững là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 được nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tại phiên thảo luận tại tổ chiều 23/10.
Lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ tiêu đào tạo nghề vượt 100%
Tại buổi thảo luận, các đại biểu Quốc
hội cho rằng năm 2018, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách
thức nhưng với định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng, nỗ lực phấn đấu
của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ
của Chính phủ, đặc biệt là trong việc tập trung hoàn thiện thể chế, đổi
mới chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục tháo gỡ
khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tình hình kinh
tế - xã hội nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện, đúng
hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra. Các đại biểu
cũng nhấn mạnh đến việc thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ
vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã tạo thêm
dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội,
tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật
tự, an toàn xã hội trong các năm tiếp theo.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội
của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng,
kinh tế vĩ mô đã có bước chuyển biến tích cực so với đầu nhiệm kỳ của
Quốc hội khóa XIV, nền kinh tế có xu hướng đổi chiều từ tăng trưởng chậm
dần sang tăng dần. Đây là thành tựu và là thời cơ để có những bước đột
phá cao hơn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Đặc biệt, ông Lợi cho rằng, trong quá
trình phát triển kinh tế xã hội, chúng ta đã đảm bảo được an sinh xã hội
đặc biệt là thực hiện được mục tiêu giảm nghèo và hạn chế tái nghèo.
Tất cả báo cáo của Chính phủ, báo cáo của các bộ, ngành , của Ủy ban
kinh tế, của Ủy ban Tài chính đều đánh giá cao thành tựu về giảm nghèo,
hiện chúng ta còn khoảng dưới 6% tỷ lệ hộ nghèo. Những kết quả về giảm
nghèo đã cho thấy phát triển kinh tế đã gắn với tiến bộ và công bằng xã
hội.
“Trong đó, điểm sáng lớn nhất trong
chính sách giảm nghèo là chúng ta đã tập trung nguồn lực cho Ngân hàng
chính sách để cho vay, chúng ta tăng mức vay tối đa 50 triệu cho hộ
nghèo, điều chỉnh lãi suất, nâng thời gian vay, nhưng hiện nay, cho đến
tháng 6/2018, nợ quá hạn của ngân hàng chính sách cho người nghèo để
giảm nghèo bền vững chỉ có 0,42%. Tôi cho đây là kết quả rất đáng ghi
nhận.” – ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Về công tác đào tạo nghề, ông Lợi cho
rằng, đào tạo nghề phát triển rất tốt nhưng mới chỉ dừng ở việc đào tạo
để có việc làm, đào tạo từ 3 tháng trở lên mới chỉ đạt 23,5%. “Điều mà
chúng ta quan tâm là đào tạo bằng cấp, đào tạo có năng lực có chuyên môn
và đào tạo để đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó mới là điều
quan trọng và hiện chúng ta mới chỉ đạt 23,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động
qua đào tạo thất nghiệp lại rơi vào lao động chất lượng cao là nhiều
hơn, bậc đại học và cao đẳng rất nhiều. Điều đó cho thấy, người ta bắt
đầu nghĩ đến câu chuyện đào tạo để có việc làm, có thu nhập để đảm bảo
cuộc sống chứ không nghĩ đến chạy theo bằng cấp và học vị nữa. Tôi cho
đó là một chuyển biến rất tích cực. Theo tôi, năm nay anh Dung (Bộ
trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung-PV) và ngành lao động có một thành
tựu rất lớn, đó là: lần đầu tiên trong lịch sử đào tạo nghề vượt chỉ
tiêu trên 100%, đến giờ phút này là có thể khẳng định năm 2018 là một
năm thành công của đào tạo nghề.”- ông Lợi phát biểu.
Cần đầu tư có trọng điểm để giải quyết “lõi nghèo” hiệu quả
Đề cập đến những tồn tại của nền kinh
tế, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, kinh tế tăng trưởng nhưng cơ cấu lao động
luôn chuyển dịch chậm hơn cơ cấu kinh tế. Đây là một “nút thắt”, nếu
chúng ta không tập trung nâng cao, cơ cấu lại chất lượng nguồn nhân lực
và đầu tư phát triển tăng trưởng để chuyển dịch cơ cấu lao động thì năng
suất lao động sẽ rất thấp, đời sống người dân sẽ tác động, lớn nhất là
khu vực phi chính thức (chiếm tới 70%).
Về công tác xóa đói giảm nghèo, ông Lợi
cho rằng, chúng ta đã đưa 16 chương trình mục tiêu quốc gia trở thành
hai chương trình mục tiêu quốc gia nhưng hiện vẫn còn rất nhiều chương
trình quốc gia. Theo ông Lợi, không nên để quá nhiều mục tiêu, nhiều
chương trình dẫn đến tình trạng phân bổ bố trí ngân sách không đúng kế
hoạch, thẩm định kéo dài và giải ngân chậm. Điều đó gây ảnh hưởng đến
tiến độ, chất lượng của giảm nghèo bền vững
“Không nên đầu tư tràn lan, đầu tư phải
có trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến chất lượng và hiệu quả. Trước
đây, xóa đói giảm nghèo trên diện rộng còn giờ phải tập trung vào chất
lượng để giải quyết vấn đề trọng điểm “lõi nghèo” sao cho hiệu quả cao
hơn.”- ông Lợi nói và lưu ý, hiện nay 5 dịch vụ xã hội cơ bản tối
thiểu: giáo dục, y tế, nước sạch, nhà ở, thông tin truyền thông… vẫn còn
thiếu trong chuẩn nghèo đa chiều. Nhà ở cho nhân dân cũng là một trụ
cột về an sinh xã hội. Công nhân hiện đang khó khăn nhất về nhà ở, Quốc
hội nên ủng hộ Chính phủ bố trí nguồn ngân sách để đảm bảo an cư lạc
nghiệp cho người dân, đặc biệt là cho những đối tượng thu nhập thấp.
baochinhphu.vn